Tăng khả năng tiếp cận vốn cho khu vực kinh tế tập thể

Trong những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tuy có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đang có những bất cập, hạn chế cần được quan tâm giải quyết.

Mô hình Chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bàu Kiên (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Ảnh:H.Quân

Một trong những khó khăn lớn là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều HTX chưa đáp ứng những yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn…

Các HTX khó tiếp cận vốn tín dụng

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, chỉ có 10% HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Số liệu khảo sát trên 300 HTX thì có đến 80% HTX phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống “tín dụng đen” với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng.

Tại Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 4-2024, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt nhận định, vấn đề tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại đối với khu vực kinh tế tập thể vẫn luôn là nỗi trăn trở của các HTX. Trong đó hạn chế lớn nhất là các HTX chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn tín dụng, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bàu Kiên (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) NGUYỄN THANH HÙNG chia sẻ, HTX đang triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất trên cây lúa. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng là rất cần thiết. Do đó, HTX mong muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất phù hợp để đầu tư máy móc, thiết bị, qua đó nâng cao hàm lượng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ HTX, phát triển hoạt động cho vay đối với các HTX là vấn đề quan trọng trong giải pháp thúc đẩy tài chính gắn với tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực đồng bộ, sự vào cuộc thực sự trách nhiệm của nhiều bên, bao gồm cả bên đi vay, bên cho vay và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Chỉ có như vậy thì việc tiếp cận tín dụng của các HTX mới có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra trên cơ sở HTX dễ dàng được đáp ứng nhu cầu vốn, đồng thời đáp ứng được mức sinh lời nhất định và an toàn vốn vay cho các ngân hàng” - ông Phiệt nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và đầu tư) Đặng Văn Thanh chia sẻ, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, nhưng còn tồn tại những hạn chế và chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít…

Phó tổng giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam Tô Hoài Thanh cho biết, hiện các HTX khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do thường không có tài sản bảo đảm. Năng lực tài chính của HTX còn yếu, trong khi vay vốn đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn tự có từ 20-30% vốn đầu tư của dự án. Đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.

Ngoài ra, nhiều HTX chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn... Liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn còn kém khả thi, kém hiệu quả.

Cần có thêm chính sách, giải pháp hỗ trợ

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân chia sẻ, để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể cần có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX, kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước như: Quỹ Phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước…

Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Việt Nam Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới cho vay, các chính sách khác để khuyến khích, hỗ trợ cho vay đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi.

Để đảm bảo sự hiệu quả của những chính sách này, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX, cần phải đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tài chính, hiệu quả trong hoạt động quản trị.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/tang-kha-nang-tiep-can-von-cho-khu-vuckinh-te-tap-the-1054cdb/