Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bá Thước

Thực hiện Đề án 'Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025', những năm qua ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Bá Thước đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở cấp học mầm non. Qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.

Trẻ mầm non tham gia Hội thi “Bé yêu tiếng Việt cấp huyện” năm học 2023-2024 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước tổ chức.

Quan sát một buổi học giữa cô và trò điểm trường khu Trung Dương, Trường Mầm non Lương Trung (xã Lương Trung), chúng tôi thấy các em trả lời rành rọt các câu hỏi của cô giáo, hát tốt những bài hát bằng tiếng Việt. Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Trung, cho biết: Trường có 328 trẻ từ 3 - 5 tuổi, phân bố tại 3 điểm trường. Tại điểm trường khu Trung Dương hiện nay có 95 trẻ, chủ yếu là dân tộc Mường nên khi vào nhập học số trẻ nói và hiểu được tiếng Việt không nhiều, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ.

Để tăng cường tiếng Việt cho các em, nhà trường tích cực hướng dẫn trẻ làm quen với tiếng Việt thông qua những bức tranh nhiều màu sắc; cắt dán, in các từ chữ cái tiếng Việt lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi; tổ chức các trò chơi vận động tập thể, các bài hát, bài ca dao, tục ngữ; các góc học tập được bố trí hợp lý; thực hành các kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp thông qua các trò chơi, bữa ăn, giờ ngủ. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, yêu cầu giáo viên chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt cho trẻ. Với cách làm trên, 100% trẻ 5 - 6 tuổi đều có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.

“Khi dạy tiếng Việt cho trẻ, chúng tôi thường tạo nhiều tình huống vui nhộn và sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động, nhằm lôi cuốn trẻ vào buổi học. Đặc biệt, bản thân giáo viên phải hiểu được ngôn ngữ của trẻ, thường xuyên gần gũi, trò chuyện; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt để giúp trẻ lĩnh hội được tiếng Việt một cách tốt nhất”, cô Vân nói.

Được biết, trên địa bàn huyện Bá Thước hiện có 25 trường mầm non (24 trường công lập và 1 trường tư thục) học tại 50 điểm trường với 5.564 học sinh, trong đó học sinh là người DTTS chiếm 87,45%. Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước Nguyễn Thị Hồng, cho biết: Phòng đã chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn khuyến khích các thầy, cô giáo phát huy sáng kiến về tăng cường giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt; tạo không gian lớp học, khuôn viên sân trường có nhiều chữ tiếng Việt như đặt tên bằng tiếng Việt cho các đồ vật, đồ dùng dạy học, cây xanh... Thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi ngoại khóa, giao lưu, các buổi trình diễn nghệ thuật có tính đa văn hóa gắn với học tiếng Việt. Giáo viên sử dụng tài liệu phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của trẻ DTTS; sử dụng hình ảnh đa dạng để hỗ trợ quá trình học tiếng Việt, giúp trẻ dễ dàng nhận biết, liên kết từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc câu trong tiếng Việt.

Phòng cũng chỉ đạo các trường học khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời, tạo không gian đọc cho học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử, phần mềm, tư liệu, hình ảnh phù hợp để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt... Theo đó, chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ trên địa bàn huyện có chuyển biến rõ rệt; 100% trẻ em 5 tuổi là người DTTS ra lớp có khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt, đảm bảo đủ điều kiện cho trẻ vào lớp 1. Trẻ 3 - 4 tuổi mạnh dạn đến lớp, hiểu được lời của cô và biết diễn đạt ý kiến cá nhân của trẻ.

Việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mầm non trên địa bàn huyện Bá Thước đã giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tang-cuong-tieng-viet-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-o-ba-thuoc-213894.htm