Tăng cường hợp tác quốc tế tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Những năm gần đây, phát triển hợp tác quốc tế đã không còn xa lạ với các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng xác định được đúng thị trường và đối tác phù hợp, nhất là đối với các trường ở vùng núi, vùng sâu vùng xa như Gia Lai.

Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong trường ĐH, CĐ

Từ khi mở cửa hội nhập cho đến nay, Đảng và nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm về vấn đề đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học thông qua các Nghị quyết và chiến lược phát triển giáo dục định hướng cho vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có định hướng thứ 8 về đối ngoại, hội nhập quốc tế: "Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam".

Các trường ĐH, CĐ phải phát triển các loại hình giáo dục đa dạng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong tương lai. Ảnh: N.T.T

Các trường ĐH, CĐ phải phát triển các loại hình giáo dục đa dạng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong tương lai. Ảnh: N.T.T

Trong xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay, việc hợp tác quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam diễn ra như một tất yếu khách quan. Các trường ĐH, CĐ Việt Nam hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút sinh viên mà còn phải cạnh tranh với các trường đại học quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải phát triển các loại hình giáo dục đa dạng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong tương lai.

Hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của các trường ĐH, CĐ theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy các trường cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể thu hút được các đối tác cũng như tìm được vị thế trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có các trường: Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Gia Lai đang hoạt động ổn định. Hoạt động hợp tác quốc tế của 2 phân hiệu Trường ĐH chủ yếu là nguồn du học sinh từ Lào, Campuchia. Riêng đối với Trường Cao đẳng Gia Lai mặc dù thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp nằm ở vùng núi, địa bàn khó tiếp cận với các trường ĐH, CĐ ở các nước phát triển nhưng hoạt động hợp tác quốc tế lại có những điểm nổi bật đáng ghi nhận.

Từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam ( VACC) năm 2018, Trường CĐ Gia Lai đã chú trọng xây dựng mối liên hệ với các đối tác trong và ngoài nước. Tính đến năm 2023, thông qua VACC, Trường đã ký biên bản hợp tác với Trường CĐ Cộng đồng Nova Scotia ( NSCC) và Trường CĐ Royal Bridge của Canada. Thông qua tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới (WUSC), trường đã đón nhiều đợt chuyên gia và tình nguyện viên tới nghiên cứu và làm việc vào năm 2018 và 2019; tiếp nhận tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến năm 2020 vào thời điểm dịch Covid-19; tham gia làm thành viên dự án "Tăng cường kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng trong đổi mới phương pháp giảng dạy" được thực hiện bởi ĐH Trà Vinh và các trường ĐH ở Châu Âu (dự án đang chờ được xét duyệt).

Năm 2023, Trường Cao đẳng Gia Lai đã tiếp đón nhiều đoàn tham quan từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đến làm việc tại trường trên phương diện tìm hiểu tiềm năng, tiềm lực cũng như các vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng, tìm nguồn cung ứng lao động làm việc tại nước ngoài hay trao đổi công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp, các trường ĐH, CĐ của các nước bạn.

Tuy nhiên, việc trực tiếp kết nối quan hệ hợp tác với các trường ĐH, CĐ ngoài nước vẫn còn gặp một số khó khăn. Xuất phát điểm của các trường cũng không có nhiều thuận lợi so với các trường CĐ, ĐH trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở những thành phố lớn trên cả nước. Xây dựng và phát triển hợp tác quốc tế dường như còn rất mới mẻ không chỉ với sinh viên mà còn cả đội ngũ cán bộ giảng viên, vốn đã rất ngại việc học và sử dụng ngoại ngữ cũng là một rào cản không nhỏ trong công tác hợp tác quốc tế. Việc không có đội ngũ chuyên trách hợp tác quốc tế dẫn đến triển khai một số nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa đạt hiệu quả cao. Các đoàn tới tham quan, trao đổi hợp tác còn mang tính chất một chiều, chưa có sự song phương, chỉ các đoàn nước ngoài đến thăm các trường, khi có lời mời của các trường ĐH, CĐ nước ngoài thì thủ tục công tác nước ngoài đối với tỉnh ta còn nhiều hạn chế, cơ chế chưa thông thoáng dẫn đến việc hợp tác chưa có chiều sâu.

Giải pháp thúc đẩy quan hệ quốc tế

Từ thực trạng công tác hợp tác quốc tế của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác quốc tế hàng năm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng trường. Đây là bước then chốt, đóng vai trò như kim chỉ nam của hoạt động quan hệ quốc tế của từng trường. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, điều kiện của đối tác để xây dựng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phù hợp.

Các trường ĐH, CĐ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác quốc tế hàng năm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng trường. Ảnh: N.T.T

Các trường ĐH, CĐ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác quốc tế hàng năm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng trường. Ảnh: N.T.T

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách hợp tác quốc tế theo hướng chuyên môn hóa. Đội ngũ này không chỉ phụ trách về đối ngoại trong và ngoài nước, mà còn chịu trách nhiệm khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của người học, đội ngũ giảng viên để xây dựng kế hoạch và hình thức hợp tác quốc tế phù hợp với thực tiễn của nhà trường, đồng thời tìm kiếm các đối tác, tổ chức, các kênh hợp tác phù hợp.

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, học sinh sinh viên. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, lãnh đạo quản lý các đơn vị. Khích lệ những cá nhân đạt thành tích cao trong các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ ( B2, C1, TOIEC, IELTS…), hỗ trợ một phần hoặc toàn phần học phí để tạo điều kiện cho giảng viên trẻ, giảng viên có thể tham gia học tập hoặc trao đổi giảng viên ở các trường ngoài nước. Thành lập và duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ ngoại ngữ cho học sinh sinh viên có cơ hội thực hành giao tiếp ngoại ngữ.

Đồng thời, chú trọng phát triển các chương trình liên kết đào tạo 2+1 với các doanh nghiệp trong nước, trong khu vực (Lào, Campuchia, Nhật, Philipine ) và một số nước khác trên thế giới.

Tạo dựng mối hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các tổ chức về hợp tác quốc tế trong nước và các trường ĐH, CĐ ở nước ngoài.

Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm của chính quyền địa phương, đề xuất những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục xuất-nhập cảnh cho các đối tác ngoài nước được nhanh chóng, đảm bảo các chính sách và quy định về pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-tai-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-tren-dia-ban-tinh-gia-lai-post277420.html