Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên địa bàn một số tỉnh tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ (Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình) vẫn tiếp tục có ổ dịch bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày; nguy cơ lây nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là dịp cuối năm nhu cầu vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn tăng cao.

Đội QLTT số 8 phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, Chi cục chăn nuôi và thú y xử lý đối tựng vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc từ tỉnh ngoài vào

Đội QLTT số 8 phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, Chi cục chăn nuôi và thú y xử lý đối tựng vận chuyển nội tạng không rõ nguồn gốc từ tỉnh ngoài vào

Để thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP, đảm bảo an toàn cho sản xuất và nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn 4772/UBND-NNTN ngày 28/11/2023 về việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện, không để người dân bán chạy, dấu dịch làm lây lan dịch bệnh.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo quy định, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn (như: Lở mồm long móng, tai xanh, DTLCP cho đàn lợn thịt), thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất; đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn tại Trại lợn CP xã Văn Luông (Tân Sơn)

Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn tại Trại lợn CP xã Văn Luông (Tân Sơn)

Các ngành chức năng: Công an, Công thương, Quản lý thị trường... tăng cường công tác quản lý hoạt động chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn... Đặc biệt, tại cửa ngõ đường giao thông với các tỉnh có dịch, các chợ, cơ sở giết mổ...; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch, lợn ốm.

Thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có giải pháp đảm bảo cung cấp hàng hóa, ổn định thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt và báo cáo kịp thời về nguy cơ, diễn biến tình hình bệnh DTLCP; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người chăn nuôi.

Các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh: Báo Phú Thọ, Đài PTTH tỉnh, Sở Thông tin đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ lây lan, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn... để người dân biết và thực hiện, không gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi...

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi/203318.htm