Tăng cường bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 7 người chết ở Yên Bái, 6 người chết ở Đồng Nai và nhiều người thương vong tại Quảng Ninh, Hà Nội liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong việc chấp hành kỷ luật, quy định ATLĐ tại nơi làm việc. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe người lao động (NLĐ), công tác bảo đảm ATLĐ cần phải được siết chặt hơn nữa. Mặc dù các công đoạn sản xuất tại nhà máy không có nhiều nguy cơ rủi ro tác động đến con người, tài sản và môi trường, song công ty đặc biệt lưu tâm các vấn đề an toàn khi sử dụng điện, an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa… Do vậy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho NLĐ khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng nội quy, quy trình ATLĐ theo đúng quy định; lên kế hoạch hướng dẫn quy trình thực hiện trước khi đi vào sản xuất và tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định này. Trang bị đầy đủ và yêu cầu công nhân sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ… đúng quy định; trang bị các thiết bị sơ cứu cần thiết.

Doanh nghiệp chủ động, người lao động tự giác

Công ty TNHH Anam Electronics, KCN Đồng Văn IV (huyện Kim Bảng) chuyên sản xuất âm ly, loa thông minh, thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước châu Âu và một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ. Công ty hiện tạo việc làm cho khoảng 1.700 lao động. 100% NLĐ được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm, với NLĐ làm việc tại các công đoạn nguy hiểm, độc hại (như bon keo) được khám định kỳ 2 – 3 lần/năm. Tất cả cán bộ, nhân viên, NLĐ được tham gia các khóa huấn luyện về ATLĐ, phòng chống cháy nổ một cách nghiêm túc, đầy đủ. Công ty quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại để tiết kiệm nhân lực, giảm sức lao động của công nhân. Cách đây khoảng 4 năm, công ty đã trang bị 10 rô bốt để vận chuyển nguyên vật liệu từ kho đến khu vực sản xuất và 2 năm nay, trang bị thêm 4 rô bốt để vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực sản xuất (dành riêng cho mặt hàng âm ly to).

Ngoài ra, công ty cũng trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, mũ cho NLĐ và dây tĩnh điện (dành cho công đoạn trực tiếp tiếp xúc với nguồn điện); lắp hệ thống hút mùi tại bộ phận hàn thiếc; trang bị hệ thống điều hòa toàn bộ nhà máy. Công ty thường xuyên quán triệt, nhắc nhở toàn thể cán bộ, nhân viên, NLĐ thực hành tốt 5S, tạo môi trường làm việc ngăn nắp, sạch sẽ, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công việc của NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Bảo đảm an toàn trong sản xuất là vấn đề quan trọng, quyết định đến sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Tại các bộ phận, mỗi ngày trước giờ làm việc, trưởng bộ phận luôn yêu cầu tất cả công nhân lao động đều phải kiểm tra kỹ lưỡng máy móc, trang thiết bị mình sử dụng và có xác nhận rõ ràng. Bộ phận kỹ thuật sẽ đi kiểm tra bất cứ lúc nào để bảo đảm xác nhận của NLĐ là chính xác để không có sự cố nào liên quan đến mất ATLĐ xảy ra. Đây là giải pháp hiệu quả góp phần hình thành thói quen cho NLĐ luôn lưu tâm đến an toàn, quan sát tình trạng thiết bị, dụng cụ và điều kiện môi trường lao động xung quanh để từ đó ngăn chặn, cải thiện những điểm không bảo đảm an toàn trong sản xuất. Với những nỗ lực trong công tác bảo đảm ATLĐ, nhiều năm nay, tại Công ty TNHH Anam Electronics không có trường hợp nào bị tai nạn lao động; môi trường lao động luôn được quan tâm cải thiện.

Tại Chi nhánh Công ty cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam, KCN Đồng Văn I (thị xã Duy Tiên), là đơn vị sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được ban lãnh đạo doanh nghiệp coi trọng. Chủ tịch công đoàn công ty Lê Minh Động cho biết: Mặc dù các công đoạn sản xuất tại nhà máy không có nhiều nguy cơ rủi ro tác động đến con người, tài sản và môi trường, song công ty đặc biệt lưu tâm các vấn đề an toàn khi sử dụng điện, an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa… Do vậy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho NLĐ khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng nội quy, quy trình ATLĐ theo đúng quy định; lên kế hoạch hướng dẫn quy trình thực hiện trước khi đi vào sản xuất và tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định này. Trang bị đầy đủ và yêu cầu công nhân sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ… đúng quy định; trang bị các thiết bị sơ cứu cần thiết.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra dây chuyền sản xuất để kịp thời khắc phục các sự cố; quán triệt công nhân lao động nghiêm túc thực hiện chế độ vận hành máy móc, công nghệ theo đúng quy trình của nhà sản xuất. Định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên và kiểm tra đôn đốc mọi người thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Với các giải pháp đồng bộ, công ty đã thực sự tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, thân thiện, để NLĐ yên tâm gắn bó và cống hiến.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và NLĐ về công tác ATVSLĐ ngày càng được nâng lên. Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị; thành lập Hội đồng ATVSLĐ, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; thành lập mạng lưới ATVSLĐ; xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn, làm việc an toàn đối với từng loại công việc và từng loại máy, thiết bị.

Thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; chấp hành chế độ tự kiểm tra ATVSLĐ, thực hiện thống kê, báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy. Các chế độ, quyền lợi của NLĐ về ATVSLĐ ngày càng được quan tâm như: huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ; thực hiện quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Qua đó, tạo dựng môi trường làm việc an toàn, bảo vệ sức khỏe của NLĐ.

Sản xuất tại Công ty TNHH JK Hà Nam (xã Thanh Nguyên, Thanh Liêm).

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, được tổ chức từ ngày 1 đến hết ngày 31/5/2024. Tháng hành động về ATVSLĐ gắn liền với Tháng Công nhân, là đợt cao điểm để các cấp, ngành, tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động quan tâm, chăm lo NLĐ; tăng cường quản lý, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ. Thông qua việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ, người sử dụng lao động trong toàn chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ; tăng cường kiểm soát các nguy cơ rủi ro và bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, giảm thiểu các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bám sát kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 trên địa bàn tỉnh, ngay sau Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ tới cán bộ, đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, NLĐ nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm ATVSLĐ. Tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội theo quy định; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện.

Anh Lê Minh Động, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam, KCN Đồng Văn I (thị xã Duy Tiên).

Chủ động đề xuất, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ trong các doanh nghiệp theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, khai thác khoáng sản, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế... Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ; công tác khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ… Tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, NLĐ có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm ATVSLĐ. Tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 thiết thực, hiệu quả sẽ tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tạo sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của NLĐ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của nhân dân. Từ đó, khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phát huy vai trò tiên phong, trách nhiệm của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoàng Hải

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/tang-cuong-bao-dam-an-toan-lao-dong-tai-noi-lam-viec-122334.html