Tận dụng nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trở về

Trong bối cảnh lực lượng lao động trong nước đang thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng thì nguồn lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... được các doanh nghiệp trong nước săn đón.

Đây cũng là một trong những giải pháp lớn để lấp đầy khoảng trống lao động kỹ thuật đang khan hiếm, qua đó, khắc phục một phần “điểm nghẽn” về nhân lực trong nước hiện nay…
Không thiếu việc làm cho lao động có kỹ năng

Vừa hết hạn hợp đồng theo chương trình EPS về nước, anh Nguyễn Hữu Thường (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, trước đây anh làm việc tại Hàn Quốc với mức thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng.

Trở về nước khi hết hợp đồng lao động theo quy định, anh Thường đã tìm được công việc phù hợp tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản trở về.

Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản trở về.

Anh Trần Văn Hoan (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từng làm cơ khí chế tạo ở Hàn Quốc hơn 10 năm. Suốt thời gian này, thu nhập của anh hơn 50 triệu đồng/tháng, tính cả tăng ca. Song, mong muốn được ở cùng gia đình thôi thúc anh về nước tìm công việc phù hợp, mức lương khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng.

Quê ở Thanh Hóa, sang Nhật Bản làm việc với tấm bằng cao đẳng nghề cơ khí, anh Trương Văn Lĩnh may mắn được nhận vào nhà máy đúng chuyên ngành đã học. Sau 2 năm làm việc tại Nhật Bản, số tiền dành dụm mấy trăm triệu đồng chỉ đủ để anh sửa sang lại căn nhà cho cha mẹ ở quê.

Nhưng kiến thức, kinh nghiệm đã giúp anh có được việc làm trong một công ty Nhật tại Việt Nam. Hiện anh làm tổ trưởng tổ bảo dưỡng với hơn 20 người.

Trở về nước sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản, anh Bùi Minh Luận (quê Vĩnh Long) nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn của mình. Anh Luận hiện là kỹ sư bảo trì cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại TPHCM với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng. "Công việc hiện tại không cách biệt mấy so với lúc tôi làm ở Nhật Bản. Do đã quen tác phong làm việc với người Nhật nên tôi dễ dàng hòa nhập", anh Luận chia sẻ.

Hiện mỗi năm có hàng chục nghìn lao động ở nước ngoài trở về. Với tình trạng thiếu lao động kỹ thuật ở các nhà máy đang rất phổ biến nên cơ hội cho những lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về rộng mở hơn bao giờ hết.

Rất nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… là những nước có đông lao động người Việt sang làm việc đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Đây là thuận lợi cho các lao động khi trở về tìm được môi trường làm việc tương đồng, phù hợp bởi các công ty này ưu tiên tuyển chọn những lao động này vì khả năng hòa nhập nhanh, không cần đào tạo lại.

Không lãng phí nguồn chất xám lao động trở về

Kết quả báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cho thấy, xét về kỹ năng, phần lớn lao động hồi hương có trình độ cao hơn về kỹ năng và tính chuyên nghiệp cũng như trình độ ngoại ngữ.

Lao động trở về có nhiều lợi thế so với lao động khác, đặc biệt là về kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc quốc tế, phong cách làm việc công nghiệp và kỷ luật làm việc cao.

Các chuyên gia nhân sự cho rằng, nếu tận dụng được nguồn nhân lực này, doanh nghiệp sẽ có được đội ngũ nhân sự lành nghề, thuận lợi khi chuyển giao công nghệ sản xuất.

Sau nhiều năm hợp tác tuyển dụng cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Đỗ Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty CP Kết nối nhân lực Work Link cho biết, các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam rất quan tâm đến lao động từ nước ngoài trở về.

Tuy đầu tư tại Việt Nam nhưng các cấp quản lý đa phần là người Nhật, người Hàn, vì vậy họ ưu tiên tuyển người biết tiếng Nhật, Hàn để thuận lợi trong công việc. Bên cạnh đó, lao động biết tiếng còn là cầu nối giữa quản lý người nước ngoài và công nhân trực tiếp sản xuất và họ thường được đào tạo để trở thành quản lý trong tương lai.

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, hơn 10 năm qua, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, kết nối lao động chương trình EPS, thực tập sinh chương trình IM Japan về nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp khác tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.

Trung tâm cũng đã phối hợp tổ chức 78 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về, thu hút sự tham gia của gần 1.500 doanh nghiệp và trên 17.000 lượt lao động.

Bên cạnh đó, Trung tâm Lao động ngoài nước còn thực hiện hình thức đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online thông qua website.

“Những lao động sau khi hoàn thành các chương trình về nước là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như am hiểu văn hóa cùng cách thức làm việc của doanh nghiệp nên họ có rất nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số những lao động đã về nước, nhiều người bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp”, ông Hồng cho biết.

Còn theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, góp phần tạo động lực tại địa phương bởi đã được tích lũy kỹ năng trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Những lao động này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển cho đất nước, gia đình và cá nhân họ.

Bảo Châu

Báo Lao động Xã hội số 58

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/tan-dung-nhan-luc-chat-luong-cao-tu-nuoc-ngoai-tro-ve-20240514132445798.htm