Tại sao UACV Orion lại là vũ khí không người lái đặc biệt của Nga?

Trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không quân sự Dubai Airshow 2021, máy bay không người lái chiến đấu đa dụng (UACV) Orion/ Orion-E (phiên bản xuất khẩu) lần đầu tiên được giới thiệu ra thị trường thế giới.

Dòng UACV do công ty Kronshtadt phát triển mang trong mình nhiều dấu ấn trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái của Nga. Vào tháng 10-2016, nguyên mẫu UACV Orion thực hiện chuyến bay thử đầu tiên.

Thiết bị này có khả năng bay liên tục hơn một ngày đêm trên không; được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, băng giá và khi cần thiết nó có thể mang các loại vũ khí không đối đất chính xác cao để làm nhiệm vụ tấn công đột kích.

UACV hội tụ công nghệ của các hãng chế tạo hàng không hàng đầu của Nga

Quá trình phác thảo ý tưởng và thiết kế đầu tiên của UACV Orion bắt đầu tư năm 2011 với sự tham gia của Công ty Kronshtadt, Văn phòng thiết kế Simonov, Tập đoàn Sukhoi và công ty Kamov.

“Liên doanh” công nghệ này tập trung ý tưởng thiết kế dòng UAV quân sự đáp ứng các yêu cầu kỹ - chiến thuật khắt khe của Bộ Quốc phòng Nga.

UACV Orion / Orion-E là dòng phương tiện máy bay không người lái đa dụng đầu tiên của Nga. Ảnh: TASS.

UACV Orion / Orion-E là dòng phương tiện máy bay không người lái đa dụng đầu tiên của Nga. Ảnh: TASS.

Sau khi mẫu thiết kế được hoàn tất và được giới chức quân đội Nga chấp nhận vào tháng 10-2012, mẫu UACV được mang tên gọi tạm thời là Pacer-UAV.

Dù có chuyến bay đầu tiên vào năm 2016, nhưng tới tận năm 2019, Công ty Kronshtadt mới chính thức “khai sinh” cho UACV Orion lên Cơ quan Vận tải hàng không Liên bang Nga với định danh là dòng thiết bị bay không người lái cỡ lớn hơn 1 tấn.

Sau quá trình đánh giá và hoàn thiện công nghệ, tới tháng 4-2020, những đơn vị UACV Orion đầu tiên đã được chấp nhận vào biên chế Quân đội Nga.

Dù các giải pháp công nghệ và vật liệu của UACV Orion không được tiết lộ cụ thể, nhưng chính những bài bay thử nghiệm đã chứng minh cho khả năng kết hợp giữa công nghệ điều khiển và vật liệu tổng hợp từ sợi polyme và carbon tạo hình giúp thiết bị bay nào có khả năng hoạt động lâu dài trên không, cũng như phù hợp với các môi trường hoạt động khắc nghiệt.

Chia sẻ về dòng UACV Orion, Giám đốc Công ty Kronstadt, Sergey Bogatikov tiết lộ, thiết kế của phương tiện với 3 cơ cấu điều khiển dự phòng giúp nó có thể phù hợp hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết; từ sa mạc khô nóng tới khí hậu khắc nghiệt của vùng cực. Trong các bài thử nghiệm thực tế, UACV Orion có thể hoạt động ở dải nghiệt độ rất lớn từ -50 tới +50 độ C.

“Chính những đặc điểm trên giúp UACV Orion nhận được sự quan tâm từ khách hàng quốc tế”, ông Sergei Bogatikov cho biết. Hiện tại, dòng UACV này đang nhận được sự quan tâm từ 21 quốc gia trên thế giới.

UACV Orion / Orion-E kết hợp tinh hoa của nhiều hãng chế tạo hàng không quân sự Nga. Ảnh: Công ty Kronstadt

UACV Orion / Orion-E kết hợp tinh hoa của nhiều hãng chế tạo hàng không quân sự Nga. Ảnh: Công ty Kronstadt

UACV phù hợp với nhiều loại nhiệm vụ khác nhau

Theo chia sẻ của ông Sergei Bogatikov, cấu hình của UACV Orion / Orion-E có thể được tùy chính theo nhiều nhiệm vụ khác nhau từ trinh sát tới tấn công đột kích đường không. Thiết bị bay này cũng được thiết kế kênh liên lạc vệ tinh mã hóa để tránh khả năng bị đối kháng điện tử hoặc gây nhiễu trong quá trình hoạt động.

Với hệ thống cảm biến đa phổ mang theo, UACV Orion / Orion-E hoàn toàn có thể sử dụng các loại tên lửa và bom dẫn đường để tấn công các vị trí quan trọng, mục tiêu cơ động của đối phương trong tầm bắn. Ngoài ra, hệ thống cảm biến cũng phù hợp để vẽ bản đồ 3D, chỉ thị mục tiêu giá trị để các phương tiện đồng minh tấn công.

Theo giới thiệu của Công ty Kronstadt, UACV Orion / Orion-E có tổng trọng lượng cất cánh khoảng 1,1 tấn, trong đó có 250kg (trên 3 giá treo) là phương tiện hoặc vũ khí. Trong điều kiện hoạt động hành trình, thiết bị có thể bay liên tục trong 30 giờ và đạt tốc độ bay tối đa tới 200km/giờ.

Mỗi một trung tâm điều khiển mặt đất có thể kết nối và điều khiển cùng lúc 4 UACV Orion / Orion-E trong tầm kiểm soát. Trong các nhiệm vụ đặc biệt, UACV Orion / Orion-E có thể kết nối với nhau trong mạng lưới trao đổi thông tin vệ tinh để mở rộng tầm kiểm soát, cũng như phối hợp với nhau khi cần thiết.

Sát thủ đột kích với tên lửa Vikhr

Trong kho vũ khí mang theo trên UACV Orion / Orion-E có một trong những dòng vũ khí tấn công chính xác cao của Nga là tên lửa chống tăng Vikhr. Dòng vũ khí này vốn là vũ khí tiêu chuẩn trang bị trên dòng trực thăng tấn công hạng nặng Ka-50/52 Aligator của Nga.

Đạn tên lửa chống tăng Vikhr là một trong những "đặc sản" của UACV Orion / Orion-E. Ảnh: TASS

Đạn tên lửa chống tăng Vikhr là một trong những "đặc sản" của UACV Orion / Orion-E. Ảnh: TASS

Sử dụng cơ cấu dẫn đường phức hợp giữa bám chùm laser và tự dẫn quang-ảnh nhiệt ở giai đoạn cuối, tên lửa Vikhr bị ảnh hưởng rất ít từ môi trường tác chiến. Tên lửa có thể xuyên qua mây mù, khói ngụy trang để tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách tới 10km.

Với đặc thù tấn công từ trên không và tốc bay đạt 600m/giây, khó có mục tiêu nào, kể cả phương tiện chiến đấu bọc thép hạng nặng như xe tăng có thể sống sót với đòn tấn công bằng tên lửa Vikhr.

Trong các bài thử nghiệm, tên lửa Vikhr có thể xuyên thủng tới 750mm thép cán đồng nhất RHA đặt sau giáp phản ứng nổ ERA với kết cấu đầu nổ nối tiếp Tandem.

Sản phẩm vũ khí của Tập đoàn Kalashnikov này vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cấp quốc gia của LB Nga hồi tháng 5-2021 và đã được thấy trang bị trên nguyên mẫu UACV Orion/Orion-E trong khuôn khổ Triển lãm hàng không quân sự quốc tế MAKS-2021.

TUẤN SƠN – NGỌC HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/tai-sao-uacv-orion-lai-la-vu-khi-khong-nguoi-lai-dac-biet-cua-nga-677599