Tại sao truy cập mở cần thiết trong xuất bản học thuật

Ngày nay, phong trào truy cập mở đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý vì chi phí truy cập các bài báo khoa học tương đối cao, theo tờ The Hindu.

 Những khoản phí lớn đang hạn chế khả năng tiếp cận các bài báo, nghiên cứu học thuật. Ảnh: The Hindu/ Getty.

Những khoản phí lớn đang hạn chế khả năng tiếp cận các bài báo, nghiên cứu học thuật. Ảnh: The Hindu/ Getty.

Truy cập mở (OA) là một thuật ngữ trong xuất bản học thuật hướng đến nâng cao số người truy cập các bài viết học thuật. Công chúng có thể miễn phí và thoải mái tiếp cận một bài báo học thuật khi nó được đưa vào diện truy cập mở.

Công chúng đang ngày càng khuyến khích điều này vì mức phí truy cập các bài báo khoa học thường tương đối cao. Thông thường, một bài báo được đăng trên nhiều tạp chí khoa học có phí đọc một lần từ 15 USD trở lên và 30 USD trở lên để có quyền đọc vĩnh viễn.

Việc đăng ký thành viên để đọc các tạp chí này cũng đắt đỏ hơn và thường khiến các trường đại học tốn khoảng vài nghìn USD/năm. Hiện có nhiều sáng kiến truy cập mở hướng đến giải quyết vấn đề này.

Tại Ấn Độ, nước này đang thực hiện những bước đầu tiên của chương trình “Một quốc gia, Một đăng ký” (ONOS). Theo đó, chính phủ, thay vì các trường đại học, sẽ đàm phán với các nhà xuất bản và tạp chí về việc tiếp cận các bài viết học thuật của họ với một mức phí cố định. Với một thỏa thuận như vậy, người dân Ấn Độ có thể đọc các bài viết học thuật này mà không phải trả thêm phí. Bộ Giáo dục Ấn Độ cho đến nay đã chọn danh sách 70 nhà xuất bản học thuật và đặt thời hạn thực hiện chương trình này là ngày 1 tháng 4 năm 2023.

Các bài báo học thuật được xuất bản như thế nào?

Thông thường, sau khi viết xong một bài báo, các nhà khoa học sẽ gửi cho một tạp chí học thuật. Các biên tập viên của tạp chí đó sẽ gửi bản thảo cho những người bình duyệt là các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Họ sẽ xem xét kỹ lưỡng các lập luận của tác giả, đồng thời đưa ra phản hồi về cấu trúc của bản thảo, bao gồm cả việc tham khảo các nghiên cứu trước đó và đưa ra những nhận định đối chiếu. Sau khi việc bình duyệt hoàn tất, bản thảo được hoàn thiện và tạp chí xuất bản bài báo dưới dạng bản in, trực tuyến hoặc cả hai.

 Một số tạp chí, đơn vị xuất bản đang chuyển sang tính phí cho các tác giả và nhà nghiên cứu. Ảnh minh họa: Spectrum News.

Một số tạp chí, đơn vị xuất bản đang chuyển sang tính phí cho các tác giả và nhà nghiên cứu. Ảnh minh họa: Spectrum News.

Trong mô hình tiếp cận độc giả của các tạp chí này, người đọc phải trả phí để đọc các bài báo theo lượt đọc hoặc theo thời gian. “Bức tường phí” này đã và đang liên tục tăng vọt. Trong một phân tích năm 2018, Đại học Duke đã phát hiện ra rằng 59 trong số 100 “bài báo được trích dẫn nhiều nhất từng được xuất bản đều yêu cầu độc giả phải trả phí” và “chi phí trung bình của một trong những bài báo này đối với người đọc vãng lai là 33,41 USD”.

Một báo cáo năm 2020 của nghiên cứu sinh từ các học viện khoa học Ấn Độ đã viết: “Trong năm 2018, người dân Ấn Độ đã chi ước tính 18,4 USD để đăng ký các tạp chí học thuật điện tử và tạp chí in". Chi phí truy cập cao như vậy khiến các bài báo nằm ngoài tầm với của nhiều nhà nghiên cứu, cũng như nhiều nhà báo, nhà hoạch định chính sách, sinh viên…

Các hình thức truy cập mở khác nhau

Truy cập mở đã được nhiều người nói tới với sự ra đời của Internet vào đầu những năm 1990, cùng những mục tiêu khác là giảm chi phí xuất bản và cải thiện lượng truy cập. Năm 1991, nhà vật lý Paul Ginsparg đã tạo ra arXiv.org, một kho lưu trữ bản thảo. Các bài viết trong kho này chưa trải qua khâu bình duyệt như bình thường nhưng có thể để độc giả biết đến rồi bổ sung phần bình duyệt sau khi xuất bản.

Việc bản thảo được lưu trữ như vậy đã khiến nhiều tạp chí học thuật nghĩ tới một cách tính phí mới. Một số đơn vị bắt đầu tính phí tác giả của bài báo trước khi xuất bản thay vì tính phí độc giả đọc bài. Khoản phí này được gọi là phí xử lý bài báo (APC).

Khi các nhà xuất bản và tạp chí thu phí APC, họ sẽ đưa bài viết đó vào diện truy cập mở cho độc giả - mô hình được gọi là Gold OA (Truy cập mở cho công chúng nhưng thu phí từ phía đơn vị nghiên cứu).

Ngoài ra còn có mô hình Green OA, các bài báo sẽ được công bố rộng rãi sau một khoảng thời gian hạn chế tiếp cận - thường là do yêu cầu từ các tạp chí xuất bản những bài báo này. Còn theo mô hình cởi mở nhất là Diamond OA, tạp chí học thuật sẽ xuất bản các bài báo miễn phí.

Ngoài ra còn có Black OA - mô hình trang Sci-Hub được cho là đang vận hành. Nền tảng này đang cung cấp khả năng truy cập mở tới hàng nghìn tài liệu nghiên cứu thu được bất hợp pháp. Tính hợp pháp của Sci-Hub đang bị xem xét tại nhiều nơi, trong đó có Tòa án Tối cao Delhi.

Sự xuất hiện của Sci-Hub một phần là do nhiều tạp chí tính phí APC cao ngất ngưởng. Ví dụ tạp chí Nature Communications xuất bản các bài báo công khai cho công chúng nhưng APC trên mỗi bài báo là khoảng 6.300 USD. (Trang này có miễn trừ phí cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp nhưng không phải quốc gia đang phát triển nào cũng đủ điều kiện.) Trong năm 2016-2019, các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã chi khoảng hơn 16.000 USD để xuất bản các bài báo chỉ trên hai tạp chí PLOS OneScientific Reports.

Tương lai của truy cập mở

'Khuyến nghị về Khoa học Mở' năm 2021 của UNESCO đã ghi rõ rằng: “Không ai (bị bỏ lại) phía sau trong hành trình tiếp cận khoa học và lợi ích từ tiến bộ khoa học”. Thông điệp này được đưa ra khi nhiều quốc gia đang đối mặt với các vấn đề mang tính thời đại như sự nóng lên toàn cầu và bệnh lây từ động vật sang người.

Trong bối cảnh này, nhu cầu tiếp cận tri thức, khoa học được đẩy lên cao và thế giới hướng tới mở rộng sự truy cập mở các bài báo khoa học cho công chúng. Vào năm 2018, một liên minh quốc tế, gồm các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu, đã triển khai một sáng kiến có tên là Coalition-s. Theo đó, họ đã xúc tiến vận động, đối thoại để đảm bảo rằng từ năm 2021, “các ấn phẩm khoa học là kết quả của nghiên cứu được cấp vốn công” được “xuất bản trên các tạp chí hoặc nền tảng cho phép truy cập mở”.

Vào tháng 1 năm 2021, Quỹ Bill & Melinda Gates cũng đã triển khai nhiều chính sách cho phép “truy cập và sử dụng lại không hạn chế tất cả nghiên cứu đã xuất bản do quỹ này tài trợ toàn bộ hoặc một phần”. Một số tổ chức tài trợ nghiên cứu khác đã công bố các chính sách tương tự.

Tuy nhiên, chính nhà nghiên cứu của các bài báo như vậy lại phải trả những khoản tiền lớn cho các đơn vị xuất bản (một dạng Gold OA). Michael Donaldson, một thành viên của ngành xuất bản học thuật, đã viết rằng trong toàn ngành, quá trình chuyển đổi sang Truy cập mở “đã bị chậm lại do còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình trang trải chi phí xuất bản”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-truy-cap-mo-can-thiet-trong-xuat-ban-hoc-thuat-post1393121.html