Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Theo số liệu Chính phủ Hàn Quốc công bố năm 2023, gần 4/10 thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp trong 3 năm qua. Trung bình, phải mất hơn 10 tháng để một sinh viên mới ra trường tìm được việc làm.

Trong khi đó, văn phòng thống kê quốc gia nước này ước tính có khoảng 248.000 người dân ở độ tuổi 20 thất nghiệp tính đến tháng 3/2024.

Ảnh: JanSatta

“Ngại” làm việc ở công ty nhỏ

Gần hai năm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học danh tiếng ở Seoul, cô Han Sung Ju vẫn thất nghiệp.

Sau khi hoàn thành chương trình học, cô gái Hàn Quốc 28 tuổi này nộp đơn vào hơn 100 vị trí nhưng không gặp may, khiến cô phải đi thực tập lần thứ ba.

Cô hy vọng cuối cùng sẽ tìm được một công việc với mức lương hơn 30.000 USD một năm, dẫu biết cơ hội của mình rất mong manh.

Trong những năm gần đây, các công ty lớn ở Hàn Quốc đã ngày càng cắt giảm việc tuyển dụng và đưa ra các tiêu chí sàng lọc ứng viên chặt chẽ hơn.

“Thị trường việc làm luôn khó khăn nhưng trong những năm gần đây, nó càng trở nên thách thức hơn với sự suy thoái kinh tế. Việc tuyển dụng bị đình trệ, đặc biệt là đối với các vị trí yêu cầu nhiều kinh nghiệm”, một chuyên gia chia sẻ với hãng tin CNA.

Theo văn phòng thống kê quốc gia nước này, cô Han không nằm ngoài con số khoảng 248.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 thất nghiệp tính đến tháng 3/2024.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc như cô Han mong muốn được gia nhập các công ty lớn để có thể kiếm được nhiều tiền. Khoảng cách tiền lương giữa các công ty nhỏ và lớn đã gần như tăng gấp đôi trong vài năm qua.

Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động thường xuyên tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 80,9% việc làm, The Korea Herald đưa tin vào năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng cần phải giúp những người lao động trẻ – nhiều người thích tập trung vào các phương thức làm việc phi truyền thống – cảm thấy an tâm hơn. Họ nói thêm rằng sự sẵn có của mạng lưới an toàn và hệ thống hỗ trợ tốt hơn có thể khuyến khích họ tìm kiếm cơ hội việc làm bên ngoài các công ty lớn hơn.

Tiến sĩ Lim Tai Wei, trợ lý nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc làm bán thời gian trong nền kinh tế tự do đang gia tăng.

Ông nói với chương trình East Asia Tonight của CNA: “Phương thức làm việc đang thay đổi này có thể sẽ ngày càng gia tăng về số lượng, theo những ví dụ mà bạn thấy ở các nền kinh tế tiên tiến hơn”.

Cô Han Sung Ju, 28 tuổi, vẫn đang tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học danh tiếng ở Seoul. Ảnh: CNA.

Cô Han chia sẻ bản thân chủ yếu ứng tuyển vào các vị trí bán hàng ở nước ngoài cũng như các vị trí hoạch định chiến lược và quản lý bán hàng mua hàng.

“Ban đầu, tôi đặt mục tiêu sẽ nhận được khoảng 50 triệu won (36.300 USD), nhưng hiếm khi các công ty khác ngoài các tập đoàn lớn đưa ra mức lương như vậy. Vì vậy, tôi đang nhắm tới mức lương hơn 40 triệu won, nhưng tôi cũng đang ứng tuyển vào những vị trí có mức lương thấp hơn", cô nói thêm.

Cô Han cũng gặp khó khăn với các bài kiểm tra trí tuệ nhân tạo và đánh giá tính cách, dẫn đến việc bị các nhà tuyển dụng tiềm năng từ chối.

Trung tâm đào tạo “mọc như nấm”

Bên cạnh những bài kiểm tra nhằm đánh giá xem ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty hay không, nhiều công ty Hàn Quốc yêu cầu người tìm việc phải đạt điểm cao trong các kỳ thi trình độ tiếng Anh.

Trên khắp đất nước, các trung tâm đào tạo đã mọc lên để giúp đỡ và kiếm tiền từ số lượng lớn người tìm việc.

Ví dụ, Trung tâm đào tạo ngôn ngữ W ở Seoul, nơi dạy kỹ năng giao tiếp, đã chứng kiến số lượng đăng ký tham gia các khóa học ngày càng tăng bất chấp mức giá khá cao. Khóa học kéo dài 8 tuần phổ biến nhất của công ty có giá 650.000 won (475 USD).

Trợ lý giám đốc trung tâm Cho Hee Youn cho biết trung bình khoảng 85% sinh viên tại trung tâm có việc làm ổn định. Khách hàng của họ bao gồm từ sinh viên đại học đến sinh viên mới tốt nghiệp, cho đến những người đã nhiều lần thất bại trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Cô Kim Doyeon, 29 tuổi, hiện đang theo học khóa học này tại trung tâm, hy vọng mình sẽ là một trong những người may mắn này. Cô nói với CNA rằng thị trường việc làm đã trở nên cạnh tranh hơn kể từ đại dịch COVID-19.

Kim trước đây làm việc trong ngành bán lẻ hàng xa xỉ và hiện đang phỏng vấn cho các hãng hàng không lớn. Cô cũng là một trong số rất nhiều thanh niên Hàn Quốc mong muốn được làm việc ở một công ty lớn.

Khánh Vy (Theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-thanh-nien-han-quoc-ngay-cang-kho-xin-viec-post293411.html