Tại sao một số phụ huynh cân nhắc việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi?

Suốt một tuần qua tại các cơ sở y tế, chúng tôi thường được nghe các bậc cha mẹ hỏi về việc có nên tiêm ngừa Covid-19 cho các bé trên 5 tuổi hay không? Mới đây, trong một khảo sát tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện với hơn 415 ngàn phụ huynh cho kết quả: 60,6% đồng ý; 7,6% đồng ý nếu bắt buộc; 29,1% cân nhắc và 1,9% không đồng ý. Như vậy có đến hơn ⅓ gia đình lo lắng không cho trẻ đi tiêm ngừa Covid-19.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sự lưỡng lự là điều dễ hiểu. Tiến sĩ Lee Savio Beers, Chủ tịch Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết: “Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là phải hiểu rõ các quyết định về sức khỏe mà chúng ta thực hiện cho con cái của mình”. Thực tế có khá nhiều thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19 dành cho trẻ em. Chúng tôi xin được chia sẻ vấn đề này như sau:

Trẻ nhỏ có cần phải tiêm phòng không?

Câu trả lời ngay là rất cần thiết. Mặc dù Covid-19 thường ảnh hưởng đến trẻ em ít nghiêm trọng hơn so với người lớn. Thông thường, những đứa trẻ bị nhiễm bệnh chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng nào. Nhưng biến chứng hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đáng kể đến sức khỏe trẻ em. Ví dụ, trẻ em nhiễm Covid-19 có thể bị sương mù não ảnh hưởng đến việc học tập, nguy hiểm nhất là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), khi gặp biến chứng này trẻ rất dễ tử vong. Trẻ em cũng có thể truyền vi rút cho người lớn có nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc Covid-19, như những người cao tuổi hoặc có bệnh nền.

Vắc xin có thể giúp giảm thiểu hai nguy cơ trên, đồng thời giúp trẻ an tâm tới trường, được học tập trực tiếp, hoạt động thể thao và giao lưu xã hội của mọi người trở về bình thường.

Tiêm ngừa cho trẻ em còn ngăn được hiện tượng vi rút lưu hành trong các quần thể chưa được chủng ngừa, nó có thể đột biến thành các biến thể nguy hiểm hơn, mà trong đó trẻ em là một nguồn dự trữ nếu chưa được tiêm chủng.

Thuốc chủng ngừa Covid-19 có an toàn cho trẻ em không?

Rất an toàn. Nhiều bậc cha mẹ đã lo lắng về tốc độ phát triển vắc xin Covid-19 quá nhanh và các quy trình theo dõi sau tiêm ngừa của trẻ chưa đủ lâu nên chưa thật sự tin tưởng. Thật ra công nghệ mRNA sản xuất vắc xin không thực sự mới. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu vắc xin mRNA trong nhiều thập kỷ, để ngừa các bệnh cúm, sốt Zika, bệnh dại và vi rút cytomegalo (CMV). Ngay khi có các thông tin về vi rút gây bệnh Covid-19, các nhà khoa học đã bắt đầu ứng dụng công nghệ mRNA để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.

Ở Mỹ, vắc xin Covid-19 là đối tượng được giám sát an toàn chuyên sâu nhất trong lịch sử y học của họ. Và vào ngày 26-10, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã báo cáo rằng họ không tìm thấy trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ đáng kể trong các thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ em.

Ngoài ra, còn có những lầm tưởng phổ biến khác, như vắc xin Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc phát triển của trẻ dậy thì. Thông tin này sai sự thật. Vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN của chúng ta theo bất kỳ cách nào. Vì mRNA không bao giờ xâm nhập nhân tế bào, nơi chứa DNA (vật chất di truyền) của chúng ta, vì vậy nó không thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến gen của chúng ta. Gen di truyền không bị ảnh hưởng, nên vắc xin không tác động đến quá trình phát triển bào thai, tuổi dậy thì hay khả năng có thai, kể cả tinh trùng người lớn.

Những tác dụng phụ nào khi tiêm vắc xin Covid-19?

FDA cho biết, trẻ nhỏ thường gặp các loại tác dụng phụ tương tự tuổi thiếu niên và người lớn, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Bởi vì về sinh lý, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Chúng ta biết là hệ thống miễn dịch càng mạnh thì phản ứng phụ càng tăng. Trẻ em có thể bị đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi hoặc đau đầu sau khi tiêm liều thứ hai. Đáng chú ý, trẻ em bị sốt và ớn lạnh sau khi tiêm thuốc với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với người lớn qua các thử nghiệm.

Thuốc chủng ngừa của Pfizer có liều lượng cho trẻ nhỏ hơn đáng kể so với người lớn: 10 microgam cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, trái ngược với 30 microgam ở người lớn. Liều 10 microgam là điểm hợp lý giữa mức độ bảo vệ chống vi rút cao và mức độ thấp của tác dụng phụ ở trẻ nhỏ.

Còn các vấn đề về tim liên quan đến vắc xin Covid-19 và trẻ em thì sao?

Chúng ta nghe nói về viêm cơ tim, một tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp của vắc xin Covid-19 có thể gây viêm tim ở nam giới dưới 30 tuổi. FDA cho biết, họ không thấy có sự gia tăng các trường hợp viêm cơ tim ở nhóm tuổi từ 12 đến 17 tuổi và nguy cơ có thể còn thấp hơn đối với trẻ nhỏ hơn. Cơ quan này cũng cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy vắc xin có thể gây ra MIS-C, biến chứng có thể gây chết người đối với một số trẻ em bị bệnh do Covid-19.

Tính đến ngày 6-10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ chỉ xác nhận 877 trường hợp viêm cơ tim ở những người dưới 30 tuổi sau khi tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna’s Covid. Đáng chú ý, nếu mắc Covid-19, tỷ lệ gây viêm cơ tim cao hơn nhiều so với tiêm vắc xin Covid-19. FDA cho biết, các nhà nghiên cứu của họ đã sử dụng các mô hình toán học để dự đoán kết quả và xác định rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, lợi ích tốt của vắc xin Covid-19 rõ ràng lớn hơn nguy cơ xấu đối với lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi.

Vì sức khỏe và tương lai của con em mình, các bậc cha mẹ hãy tin tưởng vào các nhà khoa học, vào sự phát triển khoa học tiên tiến nhất để bảo vệ con mình vượt qua và sống chung an toàn với đại dịch Covid-19.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202204/tai-sao-mot-so-phu-huynh-can-nhac-viec-tiem-ngua-covid-19-cho-tre-tu-5-den-11-tuoi-947878/