Tại sao có nhiều tiền nhưng không cảm thấy giàu có?

Hội chứng 'rối loạn tiền bạc' đang có xu hướng gia tăng khiến nhiều người, nhất là người trẻ luôn cảm thấy bản thân không giàu có, bất kể họ có bao nhiêu tiền của.

Tháng 8/2023, Bloomberg khảo sát hơn 1.000 người thu nhập tối thiểu 175.000 USD (khoảng 4,4 tỷ) và kết quả thu được đầy bất ngờ. Hơn 25% người tham gia khảo sát tự mô tả mình "rất nghèo", "nghèo" hoặc "sống được nhưng rất eo hẹp". Thực tế, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình 74.580 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) của người Mỹ.

Ảnh minh họa

Theo cuộc khảo sát về tài chính tiêu dùng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, giá trị tài sản ròng của một hộ gia đình trung bình đã tăng vọt trong những năm gần đây, tăng 37% từ năm 2019 đến năm 2022. Tuy nhiên, theo Edelman Financial Engines, chỉ có 14% người Mỹ coi mình là người giàu có, và tiêu chuẩn này ngày càng xa tầm tay.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cá nhân cho biết điều này không có gì bất ngờ. Thực tế là một số người dù có thu nhập tốt nhưng vẫn phải vật lộn với các hóa đơn, số khác có thể đang bị rối loạn tiền bạc.

Rối loạn tiền bạc là một xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội, gây ra nhiều cảm xúc xấu hổ, tội lỗi và lo lắng. Theo một báo cáo gần đây của Credit Karma, thuật ngữ “sự rối loạn tiền bạc” ra đời nhằm mục đích mô tả quan điểm méo mó về tài chính của một người khiến người đó đưa ra quyết định sai lầm trong chi tiêu.

Tư duy này có thể trói buộc họ với công việc mình ghét bỏ, ưu tiên thời gian làm việc nhiều hơn dành cho gia đình hoặc khiến họ trì hoãn theo đuổi tham vọng nghề nghiệp lớn hơn vì nghĩ rằng trước tiên cần phải giàu có. Nó còn gây ra căng thẳng liên tục và quá mức.

Ngoài ra, tư duy này cũng khiến không ít người tập trung quá mức vào vào số dư ngân hàng và lối sống giàu có. Nói một cách đơn giản, những người này đang bị ám ảnh bởi việc giàu có, phải nỗ lực theo kịp người khác đến mức chi tiêu không kiểm soát để mắc nợ.

Ảnh minh họa

Bất kỳ ai cũng có thể gặp chứng rối loạn tiền bạc nhưng những người trẻ có xu hướng cảm thấy nó nhiều hơn. Trong khảo sát của Credit Karma, 44% Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2010) và 46% thuộc Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) nói rằng họ "bị ám ảnh bởi ý tưởng trở nên giàu có". Một số thanh niên cho biết họ đã trải qua cảm giác rối loạn về tiền bạc.

Chia sẻ trên Insider, nhà hoạch định tài chính Gideon Drucker cho biết đã chứng kiến tình trạng này ở khách hàng của mình, những người thường ở độ tuổi 30-40 và kiếm được nhiều tiền. Các thước đo khách quan cho thấy họ giàu có nhưng bản thân họ lại không có cảm giác đó.

Ông lý giải tâm lý "không cảm thấy đủ" xuất phát từ việc không có một cái nhìn rõ ràng về tài chính. Sau khi làm việc với ông, họ mới chuẩn bị tốt hơn và tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai. Ngoài ra, người có thu nhập cao nhưng chỉ báo cáo đủ sống lại đang so sánh bản thân với những gì mà họ cho là người giàu có khác đang làm.

Chuyên gia tài chính Carolyn McClanahan - người sáng lập Life Planning Partners ở Jacksonville, Florida, cho biết trên CNBC: “Đây đã là một vấn đề trong một thời gian rất dài, nhưng mạng xã hội đã đưa nó lên một tầm cao mới”.

Millennials và Gen Z là những người trưởng thành đầu tiên có sự tiếp cận sâu rộng với mạng xã hội. Vì vậy, sự nổi lên của những "người có ảnh hưởng" đã khiến thế hệ trẻ mong muốn những quyền tự do trong lối sống và tài chính.

Giám đốc điều hành oXYGen Financial (Mỹ), Ted Jenkin, cho biết lối sống xa hoa của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã gây ra những hiểu lầm tai hại cho nhiều người trẻ, "thuyết phục những đứa trẻ 22 tuổi rằng chúng nên đi nghỉ xa hoa, tiêu xài lãng phí trước cả khi kiếm được tiền".

Georgina Sturmer, chuyên gia tâm lý kiêm cố vấn tại ĐH West Herts, nói: "Cả ngày, chúng ta tiếp thu thông điệp từ những gì bản thân đọc, nghe và nhìn thấy xung quanh. Một số người có thể dễ bị ảnh hưởng bởi những thông điệp này hơn những người khác. Nếu một người bị tác động bởi những hình ảnh và câu chuyện về sự giàu có, dần dần họ có xu hướng sống vượt quá khả năng của mình".

Ảnh minh họa

Georgina Sturmer chỉ ra, để thoát khỏi việc ám ảnh bởi sự giàu có, nên tập trung nhiều hơn vào bản thân thay vì so sánh. Nên lập ra ngân sách thực tế và các mục tiêu tài chính nếu bạn chưa từng làm như vậy trước đây. Nó cũng có thể liên quan đến việc xem xét sâu hơn nhu cầu cảm xúc cá nhân và liệu việc chi tiêu của bạn có đơn giản trở thành một chiến lược đối phó với những xáo trộn tinh thần không.

Cùng quan điểm, nhà hoạch định tài chính Gideon Drucker đồng ý rằng lập kế hoạch có thể giúp mọi người vượt qua nỗi lo lắng về tài chính. Thay vì liên tục so sánh với những người khác và muốn nhiều hơn, việc thiết lập và đáp ứng các mục tiêu sẽ làm họ thấy tự tin đang kiếm đủ tiền để chu cấp cho gia đình.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng hạnh phúc hiện tại với nhu cầu trong tương lai và do đó, không tiết kiệm quá nhiều. "Hoạch định tài chính thành công không phải là trì hoãn tất cả hạnh phúc và lòng biết ơn cho đến khi bạn 75 tuổi với hàng triệu USD trong tay", ông chia sẻ.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/roi-loan-tien-bac-khien-con-nguoi-am-anh-ve-su-giau-co-d198308.html