Tại sao chính quyền Biden kiềm chế dù Triều Tiên liên tục thử tên lửa?

Chính quyền Mỹ đang đánh giá toàn diện chính sách đối với Triều Tiên và hiện tại, nhóm của ông Biden tránh leo thang căng thẳng dù Bình Nhưỡng vừa thực hiện 2 vụ thử tên lửa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Triều Tiên là vấn đề đối ngoại hàng đầu của ông. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không có nhiều động thái công khai liên quan đến vấn đề này.

Tuần này, Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa về phía biển Nhật Bản. Các quan chức quân sự Mỹ tin đây là một loại tên lửa đạn đạo mới được trình làng trong cuộc duyệt binh hồi tháng 1. Tuy nhiên, ông Biden không có phản ứng gì đáng kể.

Các quan chức thạo tin cho biết các lãnh đạo quân sự không có kế hoạch đáp trả hoặc leo thang căng thẳng.

Mặc dù Tổng thống Biden nói hành động của Triều Tiên vi phạm Nghị quyết 1718 của Liên Hợp Quốc và hứa sẽ "phản ứng phù hợp" với bất kỳ động thái leo thang nào, ông cũng để mở cánh cửa đối thoại.

Ông Biden không phản ứng quá gay gắt với vụ thử tên lửa ngày 25/3 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Politico nhận định khả năng đối thoại khó xảy ra vì Triều Tiên liên tục “ngó lơ” các nỗ lực tiếp cận của chính quyền Biden. Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Washington “không phát tán mùi thuốc súng”.

Trong khi đó, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng và có lẽ là phương tiện tốt nhất để gây áp lực buộc Triều Tiên phải đàm phán - đang tệ nhất từ trước đến nay, Politico nhận định.

Căng thẳng Mỹ - Triều hiện tại vẫn chưa đạt đến mức độ căng thẳng như khi cựu Tổng thống Donald Trump nói sẽ dội "lửa và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng vì đe dọa tấn công Mỹ. Tuyên bố của ông Trump đã dẫn đến một cuộc khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Quan hệ hai bên chỉ nguội lại sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào năm 2018.

Chính quyền Biden có cách tiếp cận truyền thống hơn. Họ cũng đang xem xét toàn diện chính sách đối với Triều Tiên. Hiện tại, nhóm của ông Biden đang tránh leo thang căng thẳng trong khi thúc giục đồng minh tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng.

Không cần leo thang căng thẳng

Các cựu quan chức nhận định những động thái như vậy có thể đã phù hợp tình hình.

“Đây là một mô hình cũ. Tôi nghĩ không nhất thiết phải leo thang căng thẳng trong khi chưa thiết lập được các kênh liên lạc giữa chính quyền mới và Triều Tiên”, Randy Schriver, người đứng đầu chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc dưới thời ông Trump, cho biết.

“Ngoài việc công khai chỉ ra rằng Bình Nhưỡng làm trái với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ chìa khóa thực sự là kêu gọi các đối tác và đồng minh vào cùng tham gia chiến dịch gây áp lực”, ông Schriver nói thêm.

Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn có thể gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn mà không cần đến hành động quân sự.

Cựu Tổng thống Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng và ông Biden có thể gia tăng áp lực lên các bên để thực thi biện pháp trừng phạt đó nghiêm ngặt hơn, như ngăn chặn việc chuyển hàng hóa cho các tàu Triều Tiên.

Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, là một phần quan trọng của kế hoạch này. Chính quyền Trump đã không thành công trong việc thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của ông Biden đưa ra dấu hiệu cho thấy họ muốn quay lại chiến lược đó.

Trung Quốc có vai trò chủ chốt trong kế hoạch gây áp lực lên Triều Tiên của chính quyền Biden. Ảnh: AP.

“Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tôi nghĩ họ có lợi ích chung trong việc đảm bảo chúng ta có động thái về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tên lửa đạn đạo”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và những người đồng cấp Hàn Quốc tại Seoul.

“Tôi hy vọng dù bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của họ một cách hiệu quả để thúc đẩy Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa”, ông Blinken nói thêm.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng rạn nứt. Hai nước mâu thuẫn về mọi thứ, từ thương mại đến nhân quyền. Mỹ cũng hiện chưa rõ Bắc Kinh muốn gây áp lực với Triều Tiên đến mức nào.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể không muốn tỏ ra nhân nhượng với Washington. Đồng thời, nếu thực thi các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn, Trung Quốc có thể làm cuộc sống của người dân Triều Tiên thêm tồi tệ. Điều này có thể đồng nghĩa với gia tăng khủng hoảng nhân đạo và di cư ở biên giới.

Một cựu quan chức chính quyền Trump giấu tên nói ông Kim và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có mối quan hệ phức tạp và hai bên ngờ vực lẫn nhau. Tuy nhiên, có vẻ như cả hai đã đạt được thỏa thuận bất thành văn: Miễn là Triều Tiên không thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, Bắc Kinh sẽ hạn chế thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hoạt động "bình thường" của Triều Tiên

Các quan chức hàng đầu của Mỹ trong tuần này cũng nói chính quyền mới sẽ tránh làm leo thang tình hình.

“Chúng tôi không nghĩ cường điệu hóa tình hình sẽ đem lại lợi ích cho chúng tôi. Chúng tôi xem những hành động này là ‘bình thường’ trên môi trường quân sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên”, một quan chức cấp cao nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, ở hậu trường, chính quyền mới đang thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc đối đầu Triều Tiên.

Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là chủ đề thảo luận chính trong các cuộc họp của ông Blinken và Austin ở Seoul và Tokyo vào tuần trước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp người đồng cấp Hàn Quốc vào ngày 17/3 tại Seoul. Ảnh: Reuters.

Chủ đề này chắc chắn sẽ được tiếp tục vào tuần tới trong cuộc họp của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington.

Các nhà phân tích tình báo Mỹ xác định các vụ thử tên lửa mới nhất nằm trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chứ không phải phản ứng đối với các hành động của Mỹ hoặc Hàn Quốc, theo hai nguồn tin.

Điều này trái ngược với các cuộc thử nghiệm vũ khí tầm ngắn vào cuối tuần trước. Các quan chức quân sự nhận định động thái đó có liên quan đến cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Lầu Năm Góc không coi các vụ phóng tên lửa mới nhất là mối đe dọa an ninh, các quan chức cho biết. Mặc dù cuộc thử nghiệm tên lửa ngày 25/3 vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đây được coi là hoạt động bình thường của Triều Tiên, theo một quan chức.

“Như mọi khi, thế trận sẵn sàng của chúng ta vẫn ở mức cao nhất”, phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đại tá Lee Peters cho biết.

Các cựu quan chức cũng đồng tình với đánh giá của Lầu Năm Góc.

“Tôi coi các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây là một vấn đề pháp lý, nhưng không phải là một mối lo ngại an ninh”, Eric Sayers, một thành viên của tổ chức nghiên cứu American Enterprise Institute, cho biết. "Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có vị thế tốt để ngăn chặn hành động leo thang quân sự".

Vụ thử tên lửa ngày 25/3 được coi là động thái bình thường của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Ông Schriver nhận định các vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là “nỗ lực thu hút sự chú ý và chứng minh khả năng của Triều Tiên” trong khi chính quyền Mỹ đang xem xét lại chính sách. Cựu quan chức này cũng lưu ý rằng mục tiêu của Triều Tiên là được công nhận là quốc gia hạt nhân.

Ông Schriver đề nghị nhóm của Tổng thống Biden điều chỉnh lại các cuộc tập trận quân sự bị thu nhỏ trong những năm gần đây do các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Trump.

“Điều đó sẽ có tác dụng răn đe nhiều hơn bất kỳ hành động ngoại giao nào”, ông Schriver nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng chính quyền mới không nên mong đợi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách dễ dàng. Ông Biden đã nói Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân là một điều kiện để hai bên đàm phán.

“Họ nên suy nghĩ thực tế về thời gian điều đó có thể được hoàn thành”, ông Schriver chia sẻ. "Tôi muốn thấy Triều Tiên chịu áp lực thêm một khoảng thời gian trước khi chúng ta thử đối thoại một lần nữa".

Như Trần

Theo Politico

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-chinh-quyen-biden-kiem-che-du-trieu-tien-lien-tuc-thu-ten-lua-post1198047.html