Tác dụng phụ gây máu đông của vắc-xin AstraZeneca xảy ra khi nào?

Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 42 ngày sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, tỷ lệ đông máu sau tiêm ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi.

Ngày 5/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ lúc bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca tháng 3/2021 đến hết tháng 6/2023, TPHCM đã tiêm hơn 9 triệu liều, không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông.

Theo Bộ Y tế Australia, tình trạng này phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày.

Tỷ lệ đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi.

Do đó, tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp.

"Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vắc-xin Covid-19 là không có cơ sở", Sở nhận định.

Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, “Hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành, các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch”.

Đồng thời, khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vắc-xin và nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.

Báo cáo trong cơ sở dữ liệu an toàn thuốc của EU (EudraVigilance), tính đến ngày 22/3/2021, trong tổng số khoảng 25 triệu người đã được tiêm vắc-xin thì chỉ có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông.

Sở Y tế cho rằng, cần phải khẳng định giá trị mang lại của vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca trong giai đoạn bùng phát dịch vừa qua.

Khi so sánh nguy cơ có 1 trường hợp xuất hiện cục máu đông trong số 1 triệu trường hợp được tiêm phòng vắc-xin thì lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao do Covid-19 gây ra.

Tiêm chủng vắc xin Covid-19 nói riêng và tiêm chủng phòng bệnh nói chung vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng và giám sát chặt chẽ sự cố bất lợi sau tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tac-dung-phu-gay-mau-dong-cua-vac-xin-astrazeneca-xay-ra-khi-nao-post682011.html