Tác dụng của cánh gió đuôi xe

Cánh gió đuôi xe tạo vẻ ngoài mạnh mẽ cho xe, giảm lực tác động của không khí, hỗ trợ tăng tốc ổn định, bám đường và cho khả năng vận hành mượt mà, an toàn.

Cánh lướt gió ô tô là gì?

Cánh lướt gió ô tô (cánh gió ô tô) là một bộ phận được lắp đặt ở đuôi xe ô tô, có thiết kế dựa trên nguyên lý khí động học (tác động của không khí lên vỏ xe khi ô tô đang di chuyển). Nguyên lý này có 3 loại lực cơ bản là lực cản, lực hông và lực nâng, với cơ chế hoạt động như sau:

Lực nâng (Lift force): Theo lý thuyết của khí động học, khi ô tô chuyển động, luồng không khí phía trên mui xe phải di chuyển một quãng đường dài hơn so với luồng không khí phía dưới gầm xe. Sự chênh lệch vận tốc gió này tạo nên lực nâng có phương vuông góc với bề mặt đường, làm giảm khả năng bám đường của xe.

Lực cản (Drag force): Đây là trường hợp dòng không khí có phương song song với bề mặt đường. Khi ô tô di chuyển, đặc biệt là trên cao tốc hay các cung đường ít chướng ngại vật, sức gió mạnh sẽ tác động một lực lớn khiến xe chạy chậm lại và phải sản sinh nhiều nhiên liệu hơn để vận hành ổn định.

Cánh gió đuôi xe có nhiều tác dụng, trong đó bảo đảm an toàn và tăng tốc. (Ảnh minh họa).

Cánh gió đuôi xe có nhiều tác dụng, trong đó bảo đảm an toàn và tăng tốc. (Ảnh minh họa).

Lực hông (Side force): Được sinh ra do các dòng khí tác động vào bên hông của xe khiến ô tô mất thăng bằng trong quá trình di chuyển. Lực này thường có vận tốc và hệ số tác động nhỏ hơn so với lực nâng và lực cản.

Trước đây, cánh lướt gió thường chỉ được trang bị trên các dòng xe đua và xe thể thao, tuy nhiên hiện nay phụ kiện này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều dòng ô tô để tăng tính thẩm mỹ và nâng cao hiệu suất vận hành của xe.

Cánh lướt gió được gắn ở nhiều vị trí khác nhau như thân xe, đầu xe và đuôi xe, với nhiều hình dáng: từ lớn đến nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo thiết kế của nhà sản xuất.

Cánh gió ô tô thường được sản xuất chủ yếu từ các loại vật liệu nhẹ như:

Nhựa ABS: Là một loại nhựa dẻo được sản xuất bằng cách đúc nhựa ABS kết hợp với các chất phụ gia khác, điển hình là chất độn dạng hạt nhằm tăng độ cứng.

Sợi thủy tinh: Có trọng lượng nhẹ, độ bền cao và khả năng chịu áp lực lớn.

Silicone: Có độ bền cơ học và khả năng chịu nhiệt độ cao, tăng tuổi thọ cho sản phẩm.

Sợi carbon: Có đặc tính nhẹ, siêu bền, chịu lực và nhiệt vượt trội.

Công dụng của cánh gió đuôi xe ô tô

Bên cạnh những công dụng chính là mang đến diện mạo thể thao mạnh mẽ, tạo lực kéo tốt hơn, cánh gió ô tô còn có nhiều công dụng khác như: tăng tầm nhìn, nâng cao hiệu quả phanh, tiết kiệm nhiên liệu...

Tăng độ bám đường

Khi xe di chuyển với tốc độ quá cao, tác động của áp suất có thể khiến xe bị nâng lên. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu người điều khiển không thể kiểm soát được tay lái của mình.

Do đó, một trong những lợi ích thiết thực của cánh gió đuôi xe là làm giảm lực nâng không khí và tăng độ bám đường, duy trì sức kéo, giúp xe hoạt động ổn định.

Hỗ trợ quá trình phanh ổn định hơn

Ngoài khả năng làm tăng độ bám đường, một trong những công dụng ít người biết đến của cánh gió ô tô là hỗ trợ quá trình phanh được ổn định. Vị trí lắp đặt tạo ra lực cản giúp việc điều khiển trở nên an toàn hơn kể cả khi người lái di chuyển với tốc độ cao và phanh gấp.

Tiết kiệm nhiên liệu

Sức cản của gió là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiết kiệm nhiên liệu của xe. Nguyên nhân là do khi di chuyển, động cơ luôn phải chống chịu lực cản của gió. Lực cản càng lớn thì xe càng phải tiêu tốn nhiều nhiên liệu để vận hành và tăng tốc.

Vì vậy, việc trang bị cánh gió ô tô là điều cần thiết để cản lại sức gió, hạn chế tiêu hao nhiên liệu cho phương tiện.

Tăng cường hiệu suất khí động học

Thiết kế cánh chắn gió có công dụng làm tăng cường khí động học trên ô tô. Nguyên nhân là khi xe di chuyển, các dòng không khí sẽ trở nên hỗn loạn và tạo ra một vùng áp suất thấp, làm tăng lực cản khiến phương tiện vận hành không ổn định.

Việc trang bị thêm một cánh gió ô tô phía sau sẽ hạn chế sự phân tách luồng không khí và làm cho áp suất ở phía trước cao hơn, theo đó giúp xe di chuyển ổn định hơn.

Gia tăng tầm nhìn

Khi xe di chuyển phía trước được trang bị cánh gió ô tô, các phương tiện lưu thông ở phía sau có thể nhận biết rõ. Điều này giúp giảm thiểu tối đa các va chạm không đáng có, đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Góp phần giảm trọng lượng xe

Cánh lướt gió có thể cải thiện lực nén, làm giảm lực cản và trọng lượng của xe.

Nâng cao tính thẩm mỹ

Cánh lướt gió cũng được xem là phụ kiện giúp xe trở nên phong cách và đẳng cấp hơn. Chủ xe có thể lựa chọn mẫu mã phù hợp với xe cũng như thể hiện được cá tính của mình.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tac-dung-cua-canh-gio-duoi-xe-ar870629.html