Sụt giảm tổng cầu và nỗi lo kép

Thực trạng sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 mà nguyên nhân bởi cả đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đều suy yếu đòi hỏi sớm có biện pháp giúp phục hồi tổng cầu. Đây là đánh giá của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân trong sách chuyên khảo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023 vừa được công bố.

Việc sử dụng hàng hóa trong nước thực chất sẽ kích thích nhập khẩu. Ảnh: N.K

Nhóm thành tố tiêu dùng cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Tiêu dùng cuối cùng năm 2023 chỉ tăng 3,52% so với năm trước, bằng khoảng một nửa mức tăng 7,09% của năm 2022. Về dịch vụ du lịch, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019.

Về xuất khẩu, các chuyên gia đánh giá, tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9%, do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, ở mức 11,6%; lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% – lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.

Vấn đề phục hồi tổng cầu và phục hồi tổng cầu bền vững phải được giải quyết đồng thời. Một mặt, cần tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, có các chính sách kích cầu nội địa và chính sách phát triển thương mại quốc tế. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng gia công của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

Dù sự sụt giảm tổng cầu là đáng lo ngại, rõ ràng, đó là điều khó tránh đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Theo báo cáo tháng 1-2024 của Ngân hàng Thế giới, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa, dịch vụ thế giới gần như không thay đổi trong năm 2023, với mức tăng trưởng được ước tính là 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4% của năm 2022. Các tác giả của sách chuyên khảo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023 nhận xét, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 50 năm qua nếu bỏ qua các giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, sự suy giảm của tổng cầu từ hầu hết các quốc gia khiến cho một số thị trường hàng hóa chính trên thế giới như dầu thô, than đá, khí tự nhiên, kim loại… có xu hướng giảm.

Nếu chỉ tiếp cận theo hướng này, nỗi lo có thể vơi đi một nửa. Nền kinh tế Việt Nam thuận chiều với kinh tế thế giới, đồng nghĩa, khi các dấu hiệu phục hồi xuất hiện, tổng cầu trong nước sẽ bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng. Tiếc là, nhóm nghiên cứu nêu trên lại chỉ rõ những thực trạng cần suy ngẫm khác.

Đầu tiên, xem xét thành tố đầu tư. Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI có mối tương quan thuận chiều với tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn. Ngược lại, vốn đầu tư công dường như có xu hướng tác động tiêu cực đến tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, đầu tư của khu vực FDI là nhân tố tạo ra thu nhập kém nhất. Đầu tư của khu vực này giai đoạn 2016-2022 tuy lan tỏa đến giá trị sản xuất mạnh hơn giai đoạn 2010-2015 (1,83 so với 1,7), nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm đáng kể (0,55 so với 0,65).

Bên cạnh đó, nhóm ngành dẫn đầu trong thu hút FDI là chế biến chế tạo chứng kiến suy giảm về giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất. Tỷ lệ này giảm từ 34,7% giai đoạn 2007-2014 xuống còn 21,7% giai đoạn 2015-2023. Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam có sức lan tỏa lớn đến nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt là các đầu vào cho sản xuất như máy móc; thiết bị; nguyên, nhiên, vật liệu.

Với thành tố tiêu dùng, theo nhóm nghiên cứu, trong năm 2023, tích lũy tài sản tăng 4,09% và tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52%, thấp hơn tốc độ tăng vào năm 2022 (lần lượt là 5,4% và 7,09%). Cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản đều tăng thấp hơn mức tăng chung (5,05%). Như vậy, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh.

Trong tiêu dùng hộ gia đình, tiêu dùng hàng nhập khẩu sẽ làm giảm GDP vì những hàng hóa này không được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu. Còn tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, nên việc sử dụng hàng hóa trong nước thực chất sẽ kích thích nhập khẩu.

Về xuất khẩu, theo nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn 2016-2022, mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến giá trị sản xuất và nhập khẩu tăng mạnh (11,7% và 52%), nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (-13,3%) so với giai đoạn 2010-2015. Vậy thì xuất khẩu hiện nay về cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu mạnh của khu vực kinh tế trong nước.

Nhìn vào những nét phác họa như trên, có thể thấy, vấn đề phục hồi tổng cầu và phục hồi tổng cầu bền vững phải được giải quyết đồng thời. Một mặt, như nhóm tác giả đề cập cụ thể trong công trình nghiên cứu, cần tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, có các chính sách kích cầu nội địa và chính sách phát triển thương mại quốc tế. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng gia công của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

Khánh Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sut-giam-tong-cau-va-noi-lo-kep/