Sức sống nơi biên cương đầu nguồn sông Mã

Ngược dòng sông Mã nước xiết, chúng tôi đến với miền Tây Thanh Hóa. Một vùng biên ải đất liền là nơi quần tụ sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú... đang dần vươn lên cùng nhịp phát triển của đất nước. Nơi đây, sau nhiều năm nỗ lực, Chính phủ Việt Nam và nước bạn Lào đã tôn tạo, tăng dày được 88 cột mốc biên giới trên 213,6km đường biên, đánh dấu chủ quyền của hai quốc gia...

Đường biên giới quốc gia trải dài qua 16 xã, thị trấn của 5 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân nằm giáp với các bản, cụm bản của tỉnh Hủa Phăn, Lào. Và thật cảm động là mỗi cột mốc, mỗi chặng đường biên nơi đây đều lưu dấu những câu chuyện, những con người đã dành cả đời mình trên bước đường canh giữ “hồn thiêng của Tổ quốc”...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Việt Nam) và Đồn Công an cửa khẩu quốc tế Nậm Xôi (Lào) trao đổi tình hình biên giới cạnh cột mốc 327. Ảnh: Mạnh Tuấn

Trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú đã viết về địa dư trấn Thanh Hoa như sau: “Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến thời Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”.

Với địa chính trị của mình, Thanh Hóa thực sự là một tỉnh có nhiều tiềm năng với đất đai rộng lớn, dân số đông, địa hình đa dạng, gồm miền núi, trung du, đồng bằng, duyên hải và thềm lục địa..., là địa bàn trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh từ Nghệ An vào phía Nam, là cầu nối giữa Bắc Trung bộ với Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, miền đất này là vùng hậu phương vững chắc của cách mạng ta. Đặc biệt, từ Thanh Hóa theo dọc đường biên sang nước bạn Lào, đã xây dựng được con đường vận chuyển lương thực, vũ khí lên chiến trường Tây Bắc nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng hết sức hiệu quả và nhanh chóng.

Trong những năm chống Mỹ, biên giới miền Tây Thanh Hóa là nơi các trinh sát Biên phòng đã kịp thời phát hiện và làm thất bại hàng chục âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động được cài cắm dọc biên giới hòng gây bạo loạn. Trên vùng rẻo cao Pù Nhi quanh năm mây phủ, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng 41 đã vượt núi, băng rừng đi tìm người dân về lại bản xưa, cùng nhau gây dựng cuộc sống mới. Từ một vùng đất hoang vắng bóng người, chưa đầy 1 năm sau, Pù Nhi ấm bản, no mường với những cánh đồng cho bông lúa mẩy, kênh thủy lợi dẫn nước về đồng, có trạm thủy điện mang lại nguồn sáng, có chính quyền xã và chi bộ Đảng. Trong những năm đầu đổi mới, vùng biên cương Thanh Hóa cũng là nơi khởi phát phong trào “Già làng, trưởng bản tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Là địa bàn nhiều núi cao hiểm trở, rừng, núi có độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối tạo thành địa hình phức tạp, nên trong giai đoạn phân giới cắm mốc trước đây, biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh cứ 10km mới có 1 cột mốc, thậm chí có nơi 40km mới có 1 cột mốc. Thực hiện kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, đến tháng 7/2015, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã hoàn thành 88 cột mốc, từ cột mốc số 270 đến mốc số 357; trong đó có 2 vị trí cắm mốc đại, 16 vị trí mốc trung và 70 vị trí cắm mốc tiểu, đồng thời xây dựng bổ sung 9 vị trí/13 cọc dấu.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Công tác cắm mốc là vấn đề hệ trọng không phải của hai tỉnh, mà còn là của hai quốc gia và của mai sau. Vì thế, hai bên đã thống nhất cùng nhau giải quyết dứt điểm việc lập hồ sơ cột mốc; tiếp tục khảo sát những khu vực có sự thay đổi về địa danh, dân cư, thủy hệ có sự khác nhau giữa bản đồ hiệp ước và ngoài thực địa để tiến hành chỉnh lý bổ sung bản đồ biên giới”. Sau khi hoàn thành các cột mốc và cọc dấu, Ban Chỉ đạo cắm mốc hai tỉnh đã chỉ đạo Đội cắm mốc tiến hành lập biên bản bàn giao cho các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn các cột mốc cũng như an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Trong số 88 vị trí cột mốc quốc giới đã được tôn tạo mới, có 56 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong đó, tiêu biểu như các già Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu và Lương Văn Sôi ở bản Cang, xã Mường Chanh, cùng thuộc huyện Mường Lát; già Vi Văn Hợi ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Mỗi già mỗi cảnh, nhưng có một điểm chung là cả ba già đều đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và cùng được đồng bào xem là những người “truyền lửa” giữ biên cương. Theo câu chuyện về những “vị thần cột mốc” xứ Thanh ấy, chúng tôi đã vượt hơn chục cây số lên với cột mốc có phiên hiệu là 304 - cột mốc cao nhất, xa nhất và khó đi nhất phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy thuộc cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào.

Mốc 304 là mốc đơn loại trung, làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 1/7/2010, trên đỉnh núi Po Lâu 2, nơi đường biên giới chuyển hướng, ở độ cao 1.888,25m, có tọa độ 20˚24'47,237" - 104˚31'37,626". Mốc do Đồn Biên phòng Quang Chiểu, BĐBP Thanh Hóa quản lý, bảo vệ. Đây là cột mốc được cán bộ, nhân dân Mường Lát gọi tên riêng là “mốc Thống nhất” bởi có số trùng với ngày thống nhất đất nước 30/4. Trung tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã công tác ở đây gần trọn đời binh nghiệp của mình đã đưa tôi đến gặp cụ Chẹo Văn Sụ, người Dao ở bản Con Dao, xã Quang.

Trên đường đi, anh kể, thời điểm xây dựng mốc đó chưa có đường bê tông vào bản, việc vận chuyển nguyên vật liệu vào bản rất khó khăn. Còn từ bản đến điểm cắm mốc cả đi cả về mất gần trọn 1 ngày, vượt qua 15 khe suối, 4 đỉnh núi cao là Tơ Lưng, Đá Đen, Pù Lậu và Po Lâu. Còn già Sụ thì nhớ rất rõ, khi đó, phụ nữ trong bản đảm nhận công việc nấu cơm cho tổ thi công ăn và xuống suối xúc cát, đàn ông vận chuyển gạch đá, xi măng vào vị trí cắm mốc. Đường rừng trơn trượt, phải tự mở đường để lên dốc, lúc xuống dốc chùn chân, trượt ngã liên tục, vừa đi vừa phạt cây rừng để thông đường tạo lối. Vất vả nhất là vận chuyển cột mốc nặng cả tấn, làm từ đá nguyên khối, nhân dân và bộ đội lại dùng tời, ròng rọc và vai người để kéo mốc lên từng đoạn.

Rời Mường Lát, chúng tôi đến với Quan Sơn, nơi có phiên chợ “quốc tế” nằm cách cột mốc chỉ vài trăm mét được họp hàng tuần cho nhân dân hai bên biên giới trao đổi nông thổ sản, mua bán hàng hóa để thăm cột mốc 327. Đây là cột mốc đôi cỡ đại được cắm tại tọa độ 20.27956 - 104.612699, khánh thành vào ngày 8/7/2011. Mốc 327 nằm ở điểm cuối của quốc lộ 217 thuộc địa bàn huyện Quan Sơn - cửa khẩu quốc tế Na Mèo cùng với cột mốc bên cửa khẩu quốc tế Nậm Xôi thuộc địa bàn huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa hai nước Việt Nam – Lào và hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn.

Ở Na Mèo, cũng có những “già làng cột mốc” vô cùng tận tụy và đáng yêu. Họ tình nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Từ mốc 327 đến mốc 333, có đến 3 già làng cùng tham gia quản lý, bảo vệ, đều đặn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đường biên và ghé thăm “đồng chí cột mốc” - như cách gọi âu yếm của các già dành cho phiến đá minh định cương vực quốc gia. “Hàng tuần, tôi vào rừng một lần để kiểm tra và phát dọn xung quanh cột mốc, sau đó xuống suối lấy nước tắm rửa cho các “đồng chí cột mốc”. Xong việc thì mặt trời cũng lên ngang ngọn vầu, tôi về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo để báo cáo tình hình” - già Vi Văn Hợi hóm hỉnh kể.

Khi được hỏi vì sao tình nguyện suốt 35 năm gắn bó với vai trò “chiến sĩ Biên phòng không lương” này, già Hợi bảo: “BĐBP và dân bản đã phải trải qua bao gian nan, vất vả mới xây dựng được các cột mốc biên giới. Vì địa hình ở đây rất hiểm trở, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Thế mà, sau khi xây xong, có người vô ý thức lấy cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng, rồi người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột, hoặc thi thoảng cột lại bị những người vô ý thức đập phá sứt sẹo. Buồn lắm! Nên tôi phải thường xuyên lên thăm các “đồng chí cột mốc” và tuyên truyền cho bà con hiểu về ý nghĩa của các cột mốc biên giới”.

Quả thật, có đứng ở nơi mà chỉ cần một bước chân đã sang đến quốc gia khác, người ta mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hai tiếng chủ quyền, mới nhận ra sự thân thương của các “đồng chí cột mốc” và thấu hết nghĩa tình của người dân nơi biên cương Thanh Hóa.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-noi-bien-cuong-dau-nguon-song-ma-post468591.html