Sức mua giảm, người bán đào, quất thấp thỏm âu lo

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo khảo sát của PV Báo CAND trên nhiều tuyến đường của Thủ đô, đào, quất đã tấp nập 'xuống phố'. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm, khiến những người bán đào, quất rơi vào tâm trạng… bất an.

Nhiều rủi ro

Sáng 7/2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão), có mặt tại đường Phúc La (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi thấy hai bên đường các chậu quất lớn, chậu quất bé, các giống đào rừng, đào bích, đào phai… được bày bán la liệt. Ghé vào cửa hàng trên vỉa hè của anh Phạm Công Đoàn thì thấy anh rao bán chậu quất nhỏ 280 nghìn đồng còn đào bán khoảng 800 nghìn đồng/cành. Năm nay, anh Đoàn đầu tư hàng trăm triệu đồng nhập khoảng 500 chậu quất từ huyện Văn Giang (Hưng Yên) và nhập khoảng 300 chậu đào từ huyện Gia Lâm (Hà Nội) về bán.

Do kinh tế khó khăn, sức mua đào, quất của người dân đã giảm so với năm trước.

Tính đến thời điểm này, anh Đoàn đã bán được khoảng 50-60% số đào, quất nhưng năm nay, giá bán quất và đào rẻ hơn, và sức mua của người dân giảm rõ rệt.

“Nếu như mọi năm, tầm này, chúng tôi phải bán được khoảng 80% số đào, quất, còn năm nay người xem thì nhiều nhưng người mua thì ít. Buôn đào, quất là công việc có nhiều rủi ro, nếu đến khoảng 28 Tết mà không bán hết thì bắt buộc phải chọn phương án “đại hạ giá” để thu hồi vốn”, anh Đoàn trăn trở.

Chung tâm trạng đó, anh Cường Văn Hùng, một chủ cửa hàng bán đào rừng trên vỉa hè phố Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong số gần 1.000 cành đào rừng nhập từ Sơn La về thì cửa hàng anh mới bán được khoảng 60%. Theo anh Hùng, nếu như mọi năm, một cành đào rừng có giá bán từ 500-600 nghìn đồng thì năm nay còn khoảng 300-400 nghìn đồng. “Bán đào rừng luôn gặp nhiều rủi ro, bởi quá trình vận chuyển từ Sơn La về Hà Nội sẽ không tránh khỏi những bông hoa, nụ rơi rụng và khi đó khách hàng sẽ không mua. Từ 15 tháng Chạp đến thời điểm này, cửa hàng bán khá chậm, hy vọng từ giờ đến Tết sức mua sẽ tăng cao”, anh Hùng chia sẻ.

Ghi nhận ở vườn đào La Cả (phường Dương Nội, quân Hà Đông, Hà Nội), PV nhận thấy người mua đào khá thưa thớt, trong khi người đến xem rồi xúng xính áo quần chụp ảnh trong vườn đào thì khá đông đảo. Chị Nguyễn Thị Lư, chủ vườn đào Mười Xuân cho biết, năm nay giá đào thấp hơn mọi năm, trong khi giá nhân công chăm sóc, phân bón lại tăng cao nên thu nhập của người trồng đào bị giảm đáng kể. Với 1 mẫu đất, năm nay vườn đào Mười Xuân cung cấp ra thị trường hàng nghìn gốc đào, cành đào các loại, như đào phai, đào bích, đào đỏ… Hiện nay, nhà vườn mới bán được khoảng 70%.

Trao đổi với PV Báo CAND, anh Đỗ Đức Chiến, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm nay thời tiết những ngày cuối năm thất thường, nắng nóng rồi nồm ẩm khiến hoa đào nở sớm hơn. Như vậy, thời gian chơi đào sẽ ngắn hơn. Nếu như mọi năm người dân có thể chơi đào đến mùng 10 hoặc Rằm tháng Giêng thì năm nay chỉ có thể chơi đến khoảng mùng 4, mùng 5 Tết. Hoa nở rộ vào thời điểm này khiến chất lượng hoa ngày 30 tháng Chạp, mùng 1 Tết sẽ giảm đi. “Nhìn chung, năm nay kinh tế khó khăn hơn nên người dân không mấy mặn mà với việc chơi đào. Sức mua tại các nhà vườn ở Nhật Tân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều”, anh Chiến chia sẻ.

Bán hết đào quất mới hy vọng có Tết

Theo quan sát của PV Báo CAND, người dân bán đào, quất ở các tuyến phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), Tố Hữu, Phúc La, Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội)… đều dựng một tấm bạt nhỏ trên vỉa hè để vừa nằm nghỉ vừa trông hàng vào các buổi đêm. Anh Dương Văn Huynh, người bán đào, quất trên phố Lạc Long Quân cho hay, những ngày vừa qua, tiết trời Thủ đô xuống thấp dưới 10 độ C, lại mưa phùn khiến việc trông hàng của anh gặp rất nhiều khó khăn. “Tấm bạt mỏng manh giữa hè phố không thể che được gió lùa, không thể che được cái rét cắt da, cắt thịt trong đêm. Để xoa dịu cái rét, những đêm đó, chúng tôi thường đốt đống củi rồi mấy hộ bán đào, quất quây quần bên nhau để sưởi ấm”, anh Huynh tâm sự.

Quất được bày bán trên nhiều tuyến phố nhưng ít người mua.

Những ngày đầu tháng Chạp năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua đào, quất bán trên phố Tố Hữu. Cho đến nay, số đào, quất vẫn còn nhiều, vợ chồng anh chưa thu hồi đủ vốn.

Trò chuyện với chúng tôi, khuôn mặt anh Toàn hiện rõ sự mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Anh cho biết, hằng đêm, hai vợ chồng thay nhau chợp mắt trong “túp lều” bên vỉa hè phố. Trong nửa tháng qua, mỗi đêm anh Toàn chỉ ngủ được 2 đến 3h. Với vợ chồng anh Toàn, việc ăn Tết ngon hay không phụ thuộc vào việc hàng đào, quất có bán hết hay không?

Trường hợp của anh Huynh hay vợ chồng anh Toàn còn may mắn hơn anh Bùi Văn Hào, người bán quất trên phố Phúc La. Đêm ngày 2/2, nhân lúc anh Hào chợp mắt thì đã bị kẻ xấu lấy mất chiếc xe máy Honda Vision mới mua. Năm nay, anh Toàn nhập số lượng lớn quất (hơn 1.000 chậu) nhưng đến nay mới bán được khoảng 50%. Như vậy, nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn. Anh Hào cho biết, với tình hình này, năm nay anh có bán hết số chậu quất thì cửa hàng cũng lỗ vốn.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/suc-mua-giam-nguoi-ban-dao-quat-thap-thom-au-lo-i722452/