Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Tại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ được đưa ra khỏi đối tượng không chịu thuế, đối tượng áp dụng thuế suất 5% là những hàng hóa, dịch vụ mà có thể được sử dụng cho đa mục đích. Việc chuyển sang đối tượng chịu thuế sẽ tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho doanh nghiệp trong việc kê khai, phân bổ thuế đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế.

Nguồn: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đồ họa: Văn Chung

Bổ sung đối tượng chịu thuế cho công bằng, minh bạch hơn

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được ban hành lần đầu vào năm 1997 và được sửa đổi toàn diện vào năm 2008, sau đó được tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2015 và 2016. Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT năm 2008 và các luật sửa đổi bổ sung cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định cần sửa đổi, hoàn thiện.

Cần thiết quy định cụ thể tên các dịch vụ

Kinh nghiệm một số nước cho thấy, quy định cụ thể tên các dịch vụ chỉ áp dụng đối với dịch vụ xuất khẩu mà được tiêu dùng ở nước ngoài. Theo chuyên gia của WB, dịch vụ xuất khẩu có nhiều hình thức như dịch vụ sản xuất và gia công, dịch vụ sửa chữa, dịch vụ xây dựng, các dịch vụ dựa trên internet. Việc cung cấp và tiêu dùng các dịch vụ xuất khẩu nói trên đều không có ranh giới rõ ràng. Theo đó, cần thiết quy định cụ thể tên các dịch vụ mà xác định được địa điểm tiêu dùng tại thời điểm cung cấp dịch vụ như tại dự thảo luật.

Một trong những hướng sửa đổi là bổ sung đối tượng chịu thuế đảm bảo công bằng, minh bạch hơn. Luật Thuế GTGT hiện hành quy định hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam đều là đối tượng chịu thuế, trừ 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT chủ yếu là các nhóm: hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đầu vào cho ngành Nông nghiệp; hàng hóa, dịch vụ phục vụ an sinh xã hội; hàng hóa, dịch vụ theo cam kết quốc tế; hàng hóa không tiêu dùng ở Việt Nam; hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu thấp; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước trả tiền.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, sửa luật nhằm thực hiện các chủ trương về hoàn thiện chính sách thu, theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%. Mục đích nhằm tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất, bảo đảm tính trung lập của thuế, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân, doanh nghiệp.

Tại dự thảo luật đã chuyển một số hàng hóa, dịch vụ từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế; chuyển một số hàng hóa, dịch vụ từ đối tượng áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Ngoài ra, dự thảo quy định rõ tên hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế là những hàng hóa, dịch vụ nào.

Hạn chế gian lận trong hoàn thuế đối với dịch vụ xuất khẩu

Gần đây, nhiều doanh nghiệp lo lắng về quy định bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, luật hiện hành quy định mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại điều 5 của luật này khi xuất khẩu, trừ một số trường hợp được nêu tên cụ thể tại khoản 1 điều 8. Thời gian qua không phát sinh vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với dịch vụ thì phát sinh nhiều vướng mắc, do dịch vụ có tính chất vô hình, các dịch vụ đều được thực hiện tại Việt Nam.

Theo báo cáo của cơ quan thuế, trong quá trình thực hiện chính sách thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam), sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế GTGT 10%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc truy thu gây khó khăn cho bên cung cấp dịch vụ (phải bỏ tiền để nộp thuế trong khi không đòi được bên mua dịch vụ do hợp đồng đã ký và thanh toán đã kết thúc). Mặt khác, hiện nay đang phát triển nhiều dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với hàng hóa được gia công sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu, nhưng thực tế không xác định được chính xác hàng hóa đó là tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ, hoặc nếu xác định thì rất phức tạp, tăng chi phí quản lý.

Đồng thời, khó khăn trong việc xác định giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam và giá trị dịch vụ tại nước ngoài để áp dụng thuế suất 0%, đối với dịch vụ cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam vừa diễn ra tại nước ngoài hoặc hợp đồng dịch vụ được ký giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia để bổ sung kinh nghiệm quốc tế xác định rõ tiêu chí, nguyên tắc xác định dịch vụ xuất khẩu; từ đó làm cơ sở cho việc quy định cụ thể thêm các loại dịch vụ xuất khẩu mà xác định được địa điểm tiêu dùng ngoài Việt Nam để quy định áp dụng thuế suất 0% khi trình ra Quốc hội.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý.

Giảm phức tạp cho doanh nghiệp, tránh hiệu ứng tăng giá thành

Các hàng hóa, dịch vụ được đưa ra khỏi đối tượng không chịu thuế, đối tượng áp dụng thuế suất 5% là những hàng hóa, dịch vụ mà có thể được sử dụng cho đa mục đích. Ví dụ như máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp hoặc những dịch vụ mà hiện nay đã được chuyển sang cho doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, việc chuyển sang đối tượng chịu thuế sẽ tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế trong việc kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế.

Với hướng sửa đổi nêu trên, có 12 loại hàng hóa, dịch vụ được chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT và có 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ và 2 loại hàng hóa được chuyển từ đối tượng áp dụng thuế suất 5% sang áp dụng thuế suất 10%. Theo đó, dự thảo luật quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT và 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất GTGT 5%.

Về tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dự thảo luật đã luật hóa các quy định được hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới luật để xử lý vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Ví dụ như đã bổ sung nguyên tắc: phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ. Nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi quy định tên các hàng hóa dịch vụ thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với những hàng hóa, dịch vụ dùng vào nhiều mục đích khác nhau thì chuyển sang đối tượng áp dụng mức thuế suất phổ thông 10%.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-thue-gia-tri-gia-tang-ho-tro-tot-hon-cho-doanh-nghiep-va-co-quan-quan-ly-150949-150949.html