Sửa Luật Điện lực, người dân sẽ không phải gánh tiền điện cho doanh nghiệp

Bộ Công Thương cho biết khi sửa Luật Điện lực cần thiết phải bổ sung các quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) của Bộ Công Thương, một trong những nội dung được đề cập tới là việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.

Bộ Công Thương cho rằng cần thiết bổ sung quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền

Bộ Công Thương cho rằng cần thiết bổ sung quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định tại Luật Điện lực liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định (dưới dạng Nghị định của Chính phủ) thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại Luật Điện lực hiện hành (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Để đồng bộ với pháp luật chung về giá, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, “cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện” phù hợp với nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi).

Về vấn đề bù chéo, Luật Điện lực hiện hành quy định “Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng”; Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra định hướng “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Góp ý về việc sửa đổi Luật Điện lực, Bộ Tài chính cho rằng cần tăng cường hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, xóa bỏ tình trạng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực và bù chéo giá điện đồng bộ với việc hình thành thị trường điện cạnh tranh và đảm bảo các nguyên tắc theo cơ chế thị trường.

Tại Dự thảo Luật, Bộ Công Thương đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan (giá phân phối, giá SMO…) để đảm bảo thị trường điện vận hành theo đúng các nguyên tắc của cơ chế thị trường; dự kiến bổ sung quy định về giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền đồng bộ với việc hình thành thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo các nguyên tắc theo cơ chế thị trường và phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

Đối với cơ chế điều chỉnh giá điện, Bộ Tài chính cho hay việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong thực tế vẫn chưa hoàn toàn theo quy luật thị trường, giá điện vẫn chưa phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện, giá điện chưa được điều chỉnh tăng/giảm định kỳ phản ánh đúng biến động khách quan của các yếu tố cấu thành giá.

Bên cạnh việc nghiên cứu hình thức văn bản ban hành quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sửa đổi từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sang Nghị định Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu bổ sung về việc phân cấp việc quản lý giá điện (quy định về khung giá, định mức giá cụ thể,...) từ Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện.

Ngoài ra, theo lộ trình thị trường điện thì năm 2023 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, vì vậy Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của cơ chế quản lý đối với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, thẩm quyền điều hành giá điện nói riêng và các cơ chế quản lý giá điện khác trong điều kiện vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; đảm bảo cơ chế quản lý giá điện, nguyên tắc xác định giá điện, chính sách về giá đồng bộ, phù hợp với việc hình thành thị trường điện cạnh tranh.

Trả lời kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, cơ chế giá điện tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được nghiên cứu, đề xuất phù hợp với cấp độ phát triển và điều kiện vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường điện đồng thời có sự điều tiết của Nhà nước.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc khối sản xuất, kinh doanh vẫn được tính theo cấp điện áp, khung giờ (thấp điểm, bình thường, cao điểm) và giá điện một thành phần cho điện năng tiêu thụ chưa làm giảm tình trạng bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và sản xuất hiện nay.

Vấn đề bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất đã từng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra với nhận định như vậy là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/sua-luat-dien-luc-nguoi-dan-se-khong-phai-ganh-tien-dien-cho-doanh-nghiep-1094981.html