Sữa Hà Nội (HNM): Lãi ròng nửa đầu năm 2023 tăng 53%

Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội ghi nhận lãi ròng 25 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Sữa Hà Nội ghi nhận lãi ròng 25 tỷ đồng, tăng 53% so với vùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Sữa Hà Nội ghi nhận lãi ròng 25 tỷ đồng, tăng 53% so với vùng kỳ năm 2022.

Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (mã cổ phiếu HNM – sàn UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, trong quý 2/2023, doanh nghiệp sữa này ghi nhận doanh thu thuần hơn 168 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán trong cùng kỳ tăng 8,5% nên lợi nhuận gộp của Sữa Hà Nội trong quý 2/2023 đạt 31 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý 2/2022.

Trong quý 2/2023, doanh thu tài chính của Sữa Hà Nội tăng 12,6% lên hơn 1 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí tài chính giảm 60%, xuống còn 1,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đã tăng 51% lên mức 17,4 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 152% lên 2,8 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2023, Sữa Hà Nội báo lãi ròng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp sữa này ghi nhận lãi ròng 25 tỷ đồng, tăng 53% so với nửa đầu năm 2022.

Xét về cơ cấu tài sản, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Sữa Hà Nội đạt 576,4 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, tiền mặt của doanh nghiệp này đã giảm 83%, xuống chỉ còn 0,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sữa Hà Nội còn đang đầu tư 132,6 triệu đồng vào cổ phiếu SD9 của Công ty Cổ phần Sông Đà 9 nhưng phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 111 triệu đồng cho khoản đầu tư này. Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng đã tăng 27%, lên mức 294 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu nợ, toàn bộ nơ của Sữa Hà Nội là nợ ngắn hạn. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, nợ ngắn hạn đã tăng 12,3% lên 382,6 tỷ đồng (chiếm 66% tổng nguồn vốn). Trong đó, khoản phải trả người bán đạt 100,8 tỷ, tăng 30% so với thời điểm đầu năm nay.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HNM của Sữa Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HNM của Sữa Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vàng Phú Nhuận báo lãi hơn nghìn tỷ nửa đầu năm, cổ phiếu PNJ phục hồi 16%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong năm nay, Sữa Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu 700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,8% và 33% so với thực hiện năm 2022. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành 44% mục tiêu doanh thu lẫn mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Vừa qua, Sữa Hà Nội đã phát hành riêng lẻ 24,4 triệu cổ phiếu với tổng trị giá 244 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Trong đó, 14,4 triệu cổ phiếu phát hành thêm (tổng trị giá 144 tỷ đồng) được dùng để hoán đổi công nợ với 02 cá nhân và 01 tổ chức. Mười triệu cổ phiếu còn lại (tổng trị giá 100 tỷ đồng) được phát hành để huy động vốn; đáng chú ý, toàn bộ số cổ phiếu này được 01 cá nhân duy nhất mua trọn vẹn.

Toàn bộ 24,4 triệu cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm (từ ngày 6/7/2023 đến ngày 6/7/2024). Sau khi phát hành thêm xong, vốn điều lệ của Sữa Hà Nội được nâng lên hơn gấp đôi, đạt 444 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/7, giá cổ phiếu HNM của Sữa Hà Nội đạt 11.100 đồng/cổ phiếu.

Thành lập năm 2001, Sữa Hà Nội từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với các sản phẩm mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%... Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh khi khủng hoảng truyền thông về “chất melamine” xuất hiện vào cuối năm 2008. Sữa Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề mà đến nay vẫn chưa thể vực dậy.

Không chỉ đối mặt với khủng hoảng truyền thông, Sữa Hà Nội còn mắc sai lầm trong việc phát triển nhãn hiệu chủ lực Izzi cũng như thực hiện đầu tư dàn trải khiến hoạt động kinh doanh sa sút.

Quỳnh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/sua-ha-noi-hnm-lai-rong-nua-dau-nam-2023-tang-53-108131.htm