SỬA ĐỔI LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ

Tại các diễn đàn Quốc hội, bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị sửa đổi Luật Trọng tài thương mại. Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại sẽ khắc phục được những vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp hoạt động trọng tài, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những vấn đề bức thiết trong thực tiễn kinh tế, đồng thời đưa ra kiến nghị cần sửa đổi Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, tiêu chí hiện nay của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã bắt đầu coi trọng việc giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án, trong đó có giải quyết tranh chấp về thương mại và trọng tài thương mại là một trong những cơ chế giải quyết rất hiệu quả.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, khi thương mại điện tử đang có bước phát triển vượt bậc, thì khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của ngành này vẫn còn chưa đầy đủ. Luật Thương mại đã được xây dựng cách đây gần 20 năm, đến nay có nhiều mâu thuẫn, lạc hậu so với Bộ luật Dân sự 2015, không đáp ứng kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị xem xét sửa đổi Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại để đồng bộ với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại cũng như giải quyết tranh chấp bằng tòa án hoặc ngoài tòa án với Trọng tài thương mại.

Cùng quan điểm ủng hộ sửa đổi Luật Trọng tài thương mại, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại trong thời gian tới là yêu cầu rất quan trọng. Đặc biệt, khi giao dịch xuyên biên giới giữa các quốc gia trên 90% và các tranh chấp được xử lý thông qua phương thức trọng tài.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực trạng sử dụng trọng tài tại Việt Nam hiện nay có những tín hiệu phát triển khả quan, nhưng đồng thời cũng còn nhiều thách thức không nhỏ trong việc cải thiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, trong các lĩnh vực về những vướng mắc của pháp luật về trọng tài thương mại bao gồm trong tranh chấp thương mại; về thỏa thuận trọng tài; vướng mắc về thủ tục tố tụng; về căn cứ hủy phán quyết trọng tài, vì bản chất Trọng tài là “cơ quan tài phán tư” nên trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn cần có sự hỗ trợ, can thiệp của Tòa án với tính chất là cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính quyền lực nhà nước; vướng mắc về thi hành phán quyết trọng tài; về trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Các chuyên gia kỳ vọng việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại sẽ khắc phục được những vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp hoạt động trọng tài, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trọng tài Thương mại (sửa đổi), Luật gia Nguyễn Văn Kích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế cho rằng, dự thảo mới chỉ quy định thẩm quyền của trọng tài trong tranh chấp giữa các bên phát sinh trong các lĩnh vực mà luật chuyên ngành không cấm hay hạn chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quá trình thi hành các hiệp định thương mại nếu các hiệp định cho phép lựa chọn trọng tài.

Chuyên gia này cũng cho rằng Dự thảo chưa chú trọng việc cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Trọng tài thương mại theo hướng giải quyết tất cả các tranh chấp có ít nhất một bên là thương nhân. Vì rằng bản chất là cơ quan tài phán tư, nên trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các chủ thể bình đẳng và tự do ý chí.

Nhiều hội thảo về Luật Trọng tài thương mại đã được tổ chức để tổng hợp ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về thực tiễn thi hành và việc sửa đổi luật này đáp ứng yêu cầu phát triển

Dự thảo để hẳn một chương về Hội đồng trọng tài, nêu đầy đủ cơ cấu tổ chức phạm vi quyền hạn... Tuy nhiên, Luật gia Nguyễn Văn Kích cho rằng cần bổ sung và làm rõ trường hợp Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết, trường hợp không có thỏa thuận trọng tài, nhưng một bên đã nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài, bên còn lại đã được Trọng tài thông báo nhưng không phản đối trong thời gian hợp lý (khoảng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trọng tài) để tạo điều kiện cho các bên tranh chấp tiếp cận được phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại,

Bên cạnh đó, Dự thảo cần quy định về địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tương tự như quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự, để giải quyết triệt để vụ việc tranh chấp và tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba. Dự thảo cần giải thích rõ nội dung khái niệm “bên thứ 3” trong mục giải thích từ ngữ.

Dự thảo dành hẳn một chương về hủy phán quyết của trọng tài, trình bày khá rõ về các việc làm của Hội đồng trọng tài và các bên có liên quan trong phán quyết của trọng tài. Tuy nhiên, Luật gia Nguyễn Văn Kích cho rằng cần làm rõ căn cứ hủy phán quyết trọng tài, pháp luật về trọng tài thương mại nên điều chỉnh theo hướng, dù phán quyết có thể không phù hợp lắm với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, không ảnh hưởng đến phán quyết của trọng tài thì không là cơ sở để Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Từ đó tăng cường cơ chế quản lý và giám sát nội bộ việc xét xử tại các Tòa án thông qua báo cáo nội bộ thường xuyên. Mặt khác, Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án địa phương cũng có thể công khai số liệu và thông tin tổng hợp từ những báo cáo này trên trang thông tin điện tử chính thức của mình để thúc đẩy sự minh bạch trong giải quyết các vụ việc liên quan đến trọng tài thương mại tại Tòa án.

Trọng tài thương mại dần trở thành biện pháp phổ biến để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh

Đối với nội dung tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các trọng tài viên nước ngoài và luật sư nước ngoài trong tố tụng trọng tài. Dự thảo giành 1 chương nói về trọng tài nước ngoài khá đầy đủ từ chức năng nhiệm vụ, chi nhánh, quyền hạn… Tuy nhiên, cần làm rõ hơn các vấn đề: các trường hợp tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Trọng tài nước ngoài; các hình thức Trọng tài nước ngoài; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của Trọng tài nước ngoài; cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài bằng Trọng tài; việc thi hành phán quyết của Trọng tài trong trường hợp có yếu tố nước ngoài.

Cùng với đó, Luật gia Nguyễn Văn Kích kiến nghị Dự thảo bổ sung cần có các chính sách tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các trọng tài viên nước ngoài và luật sư nước ngoài trong tố tụng trọng tài như: ban hành văn bản chính thức cho phép luật sư nước ngoài được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại trọng tài. Mặt khác các trung tâm trọng tài trong nước cũng cần tích cực tham gia các diễn đàn chuyên môn quốc tế, chủ động liên lạc với các trọng tài viên nước ngoài có danh tiếng để mời họ tham gia danh sách trọng tài viên của trung tâm.

Cần bổ sung việc lựa chọn áp dụng Pháp luật nước ngoài giải quyết tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Điều này dẫn tới việc một số tòa án khi xét xử đã cho rằng các vụ việc dân sự có liên quan đến quyền đối với bất động sản. Bản thân việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và áp dụng pháp luật nước ngoài là được phép thì không thể trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay trái với trật tự công cộng được thừa nhận tại Việt Nam.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85949