Sự kỳ thị tác động thế nào đến sức khỏe tâm thần người nhiễm HIV?

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người nhiễm HIV, đồng thời là mối đe dọa kéo dài đối với sự lây lan của dịch bệnh.

1. Kỳ thị ngăn cản việc hướng tới mục tiêu loại trừ HIV

HIV là một trong những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, nhưng nhờ những tiến bộ của khoa học, người nhiễm HIV vẫn có thể sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường và làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. Hơn hết, khi dùng thuốc có hiệu quả, người nhiễm HIV không có khả năng lây truyền virus.

Tuy nhiên, sự kỳ thị đang ngăn cản chúng ta đạt được những mục tiêu lớn hơn và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Nhiều người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử một cách nặng nề, tàn nhẫn.

Nhiều người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử một cách nặng nề, tàn nhẫn.

Mặc dù hiểu biết về HIV/AIDS, sự lây truyền và cách phòng ngừa đã tăng lên rất nhiều, nhưng thái độ kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS đâu đó vẫn còn trong cộng đồng. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà những người sống chung với HIV phải đối mặt.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, kỳ thị là thái độ và thành kiến tiêu cực về người nhiễm HIV. Do bị kỳ thị nên nhiều người ngại đi xét nghiệm, thậm chí từ chối điều trị. Sự kỳ thị cũng ngăn cản người nhiễm HIV phát huy hết tiềm năng có thể đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, những người có nguy cơ nhiễm HIV dễ bị tổn thương hơn do bị kỳ thị, khiến họ không thể tìm kiếm thêm thông tin hoặc cách thức để tự bảo vệ mình.

Luật Phòng chống HIV/AIDS của nước ta đã quy định rằng, người bị nhiễm HIV vẫn có đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ như những công dân bình thường khác, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhiều người nhiễm HIV trong độ tuổi lao động không được học nghề, không có công ăn việc làm và có những người trong số đó bị hắt hủi, xa lánh, sống lay lắt.

Nỗi sợ bị người khác tẩy chay hoặc từ chối thường khiến người nhiễm HIV tránh đi làm xét nghiệm.

Nỗi sợ bị người khác tẩy chay hoặc từ chối thường khiến người nhiễm HIV tránh đi làm xét nghiệm.

2. Sự kỳ thị tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người nhiễm HIV

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Nỗi sợ bị người khác tẩy chay hoặc từ chối thường khiến các cá nhân tránh đi xét nghiệm hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế, dẫn đến việc chẩn đoán bị trì hoãn và tăng nguy cơ lây truyền.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và ý định tự tử cao hơn ở những người nhiễm HIV. Việc thiếu sự duy trì chăm sóc có liên quan đến kết quả lâm sàng kém, như tải lượng virus không được ức chế, góp phần làm tăng thêm tỷ lệ nhiễm HIV.

Rối loạn tâm thần cũng được chẩn đoán phổ biến ở những người nhiễm HIV và trầm cảm là chẩn đoán phổ biến nhất. Do đó, các tình trạng bệnh tâm thần đi kèm có thể làm tăng nguy cơ không tuân thủ thuốc và giảm thời gian chăm sóc.

Những người nhiễm HIV không được thăm khám trong năm đầu điều trị có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi so với những người được chăm sóc. Ngoài ra, sự kỳ thị cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ và cơ hội việc làm của một cá nhân.

Anh Trần Ngọc H, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Đối với tôi, sự kỳ thị là nỗi sợ hãi, không thể chia sẻ một phần cuộc sống và con người của mình với ngay cả những người thân trong gia đình và gây rất nhiều khó khăn cho tôi theo nhiều cách khác nhau.

Vì vậy, cộng động cần thay đổi nhận thức về HIV, cùng chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Bởi không có lý do gì khiến người nhiễm HIV không thể sống bình thường nếu họ kiểm soát được bệnh tật và tuân thủ điều trị".

Thu An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-ky-thi-tac-dong-the-nao-den-suc-khoe-tam-than-nguoi-nhiem-hiv-169231025151250201.htm