Sử dụng dữ liệu lớn để ngăn chặn hành vi trốn thuế của công ty và tư nhân

Trên thế giới, nhiều cơ quan thuế đã sử dụng dữ liệu lớn để chống gian lận thuế, ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty và tư nhân. Tại Việt Nam, các hành vi trốn thuế ngày càng tinh vi. Vì vậy, khi áp dụng dữ liệu lớn trong quản lý thuế sẽ giúp tăng số thu ngân sách, giảm chi phí vận hành, đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Phát biểu tại Hội thảo Digital Finance 2023: “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Việc khai thác các tiềm năng của dữ liệu sẽ là sự cộng hưởng lớn đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam để hướng tới sự chuyển đổi theo mục tiêu bền vững và kiến tạo tài nguyên số cho tương lai.

Chính vì vậy, ông Hiển cho rằng cần làm rõ kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, giải pháp hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính.

Trên 99% doanh nghiệp đã sử dụng khai, nộp và hoàn thuế; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hóa đơn.

Trên 99% doanh nghiệp đã sử dụng khai, nộp và hoàn thuế; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hóa đơn.

Theo bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu số đã góp phần tăng cường huy động nguồn lực ngân sách.

“Sau thời gian ứng dụng dữ liệu số, tính đến tháng 6-2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hóa đơn. Về hải quan, đã có 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia với 63.000 doanh nghiệp tham gia”, bà Nga chia sẻ.

Về quản lý hải quan, đã có 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia với 63.000 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên vẫn còn một số thách thức như cần đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác và tin cậy của dữ liệu số; cần kết nối tự động với các bên thứ 3 (các ngân hàng, cơ quan Chính phủ), Xây dựng và vận hành kho dữ liệu trung tâm; nâng cao tính liên kết giữa các hệ thống số của ngành Tài chính; đồng bộ hóa hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi giữa các cơ quan thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, để quản lý rủi ro về thuế, ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện và thu thập dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm dữ liệu thuế của người nộp thuế (ví dụ bảng lương,...); Dữ liệu từ bên thứ ba (cơ quan nhà nước): Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia (trong đó đang thực hiện kết nối với hơn 10 đơn vị; và cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; định danh cá nhân,..); Dữ liệu mạng xã hội (công cộng); Áp dụng công nghệ, công cụ trong đánh giá rủi ro: kỹ thuật phân tích dữ liệu tiên tiến, sử dụng khoa học thống kê và kinh tế lượng.

Đồng quan điểm, bà Ứng Kim Phượng, Giám đốc Phân tích dữ liệu Viettel Solutions cũng chia sẻ, trên thế giới, nhiều cơ quan thuế đã sử dụng dữ liệu lớn để chống gian lận thuế, ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty và tư nhân, tăng cường cơ chế tuân thủ nghĩa vụ thuế.

“Tại Việt Nam, thách thức với ngành thuế hiện nay là công nghệ thay đổi với tốc độ “chóng mặt”; nhiều loại hình kinh doanh mới, như: Tiền điện tử, thương mại điện tử...; các hành vi trốn thuế ngày càng tinh vi. Vì vậy, khi áp dụng dữ liệu lớn trong quản lý thuế sẽ giúp tăng số thu ngân sách, giảm chi phí vận hành, đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế”, bà Phượng nhận định.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-so/su-dung-du-lieu-lon-de-ngan-chan-hanh-vi-tron-thue-cua-cong-ty-va-tu-nhan-1095474.html