Sóng gió bủa vây Thủ tướng Israel

Thủ tướng Israel ông Benjamin Netanyahu hiện đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ở cả trong và ngoài nước vì thất bại trong việc vạch ra cái kết cụ thể cho cuộc xung đột kéo dài đã hơn 7 tháng. Thêm vào đó, đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông, Bộ trưởng Nội các thời chiến Benny Gantz vừa đe dọa sẽ từ chức nếu cơ quan này không phê duyệt kế hoạch thời hậu chiến ở Dải Gaza.

Trong một tuyên bố ngày 18/5 (giờ địa phương), ông Benny Gantz nêu rõ rằng, cuộc chiến ở Dải Gaza trong những tháng gần đây đã đi chệch hướng: "Trong khi các binh sĩ Israel đang thể hiện sự dũng cảm ở mặt trận, thì một số người đã đưa họ ra chiến trường lại đang hành động với sự hèn nhát và thiếu trách nhiệm". Ông cũng chỉ trích: "Trong khi ở trong những đường hầm tối tăm của Gaza, các con tin đang trải qua nỗi đau khổ của địa ngục, thì có một số người đang dính líu đến những điều vô nghĩa. Trong khi công chúng Israel đang nỗ lực vượt lên chính mình, thì một số chính trị gia lại đang nghĩ đến bản thân họ".

Quan chức này cũng ám chỉ về việc tốc độ tiến công của Israel đang chậm lại và sự miễn cưỡng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi đưa ra kế hoạch cho hậu xung đột tại Gaza. "Một cuộc chiến chỉ có thể chiến thắng khi có một la bàn chiến lược rõ ràng và thực tế", ông nhấn mạnh. Theo đó, Bộ trưởng Benny Gantz yêu cầu Nội các thời chiến Israel phải "xây dựng và phê duyệt một kế hoạch hành động" để đạt được "6 mục tiêu chiến lược" trong 3 tuần tới. Các mục tiêu bao gồm việc trao trả con tin, chấm dứt sự kiểm soát của lực lượng Hamas, phi quân sự hóa Dải Gaza và "thành lập chính quyền với đại diện Mỹ, châu Âu, khu vực Arab và Palestine để quản lý các vấn đề dân sự ở Dải Gaza, song song với việc Israel duy trì kiểm soát khu vực… nhằm đặt nền móng cho giải pháp thay thế trong tương lai không liên quan đến Hamas hay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas".

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) và ông Benny Gantz. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) và ông Benny Gantz. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch cũng đi theo hướng hỗ trợ các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và mở rộng phạm vi nghĩa vụ quân sự cho tất cả người Israel. Người đứng đầu Nội các chiến tranh Israel cảnh báo, nếu cơ quan này không đưa ra kế hoạch hành động rõ ràng nào trước ngày 8/6, ông sẽ từ chức, rút đảng trung dung khỏi liên minh cầm quyền và quay trở lại phe đối lập.

Trong phản ứng ngay sau đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu chỉ trích Bộ trưởng Benny Gantz chọn việc "đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng thay vì cho Hamas", nhấn mạnh những yêu cầu trên là "những lời lẽ sáo rỗng với ý nghĩa rất rõ ràng là kết thúc chiến sự với thất bại cho Israel, bỏ rơi phần lớn con tin và để Hamas nắm quyền". Dù vậy, ông khẳng định niềm tin vào việc chính phủ khẩn cấp đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giao tranh và ông "mong đợi ông Benny Gantz sẽ làm rõ quan điểm của mình với công chúng".

Là đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Benjamin Netanyahu, song, theo các cuộc thăm dò ý kiến, việc ông Benny Gantz rời khỏi chính phủ chưa chắc dẫn đến sự sụp đổ của Nội các vì sự ủng hộ và liên minh của các chính đảng còn lại vẫn đủ bảo đảm thế đa số trong Quốc hội. Tuy nhiên, thách thức từ ông Benny Gantz cho thấy những căng thẳng gia tăng trong liên minh cầm quyền tại Israel, vốn do các đảng cực hữu thống trị. Nói cách khác, sự ra đi của quan chức này sẽ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu càng phải "chịu ơn" các đồng minh liên minh cực hữu, bao gồm Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, những nhân vật quan trọng trong chính phủ. Những quan chức này kêu gọi Israel tái chiếm Gaza, khuyến khích "sự di cư tự nguyện" của người Palestine khỏi lãnh thổ và tái lập các khu định cư của người Do Thái đã bị dỡ bỏ vào năm 2005.

Trong khi đó, những người chỉ trích Thủ tướng Israel đương nhiệm, trong đó có hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình hằng tuần trong những tháng gần đây, cáo buộc ông kéo dài cuộc xung đột vì sinh mệnh chính trị của chính mình. Ông Benny Gantz, người đã chấp nhận đưa chính đảng trung dung tham gia chính phủ sau các cuộc tấn công ngày 7/10/2023, đã cảnh báo người đứng đầu chính phủ Israel không nên "chọn con đường cuồng tín và dẫn cả đất nước đến vực thẳm". Ông Benjamin Netanyahu đã phủ nhận những cáo buộc như vậy, nhấn mạnh rằng ông đang tập trung vào việc đánh bại phong trào Hamas và các cuộc bầu cử sẽ làm xao lãng nỗ lực giao tranh.

Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ông Benjamin Netanyahu sẽ thất bại nếu các cuộc bầu cử mới được tổ chức và nhiều khả năng ông Benny Gantz sẽ thay thế vị trí của ông. Kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp chính trị lâu dài của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/5, hàng nghìn người Israel đã biểu tình tại khắp các số thành phố lớn như Tel Aviv, Caesarea và Haifa, yêu cầu một thỏa thuận trao đổi con tin với Hamas, bãi nhiệm chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và bầu cử sớm ở nước này. Cơ quan Phát thanh Truyền hình Israel đưa tin, những người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Kaplan ở trung tâm Tel Aviv kêu gọi quay trở lại bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận với các phe phái Palestine. Họ cố gắng chặn một phần đường cao tốc Ayalon ở trung tâm Tel Aviv, trong khi cảnh sát cố gắng ngăn cản họ.

Khoảng 2.000 người Israel cũng biểu tình trước dinh thự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở TP Caesarea, miền Bắc Israel, yêu cầu chính phủ sắp xếp trao đổi con tin. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố Haifa, Netanya, Rehovot và hàng chục địa điểm khác trên khắp Israel.

Về phía cộng đồng quốc tế, hôm 17/5, Ngoại trưởng 13 nước đã gửi lời kêu gọi tới người đồng cấp Israel, ông Israel Katz, kêu gọi nước này không mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah ở Dải Gaza. Các nước ký lời kêu gọi gồm Australia, Anh, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Thụy Điển. Lời kêu gọi viết: "Chúng tôi tái khẳng định phản đối một chiến dịch quân sự quy mô toàn diện tại Rafah có thể gây hậu quả thảm khốc đối với người dân". Ngoại trưởng các nước hoan nghênh các biện pháp mới đây được nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra nhằm cải thiện dòng viện trợ quốc tế vào Gaza, tuy nhiên kêu gọi có thêm các biện pháp.

Ngoại trưởng các nước này kêu gọi Chính phủ Israel để viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza thông qua tất cả các cửa khẩu liên quan, gồm cả cửa khẩu ở Rafah cũng như mở tất cả các tuyến tiếp tế trên bộ cho hàng cứu trợ, khôi phục lại các dịch vụ điện, nước và viễn thông và gia tăng đáng kể nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thuốc men. Các Ngoại trưởng cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/song-gio-bua-vay-thu-tuong-israel-i731749/