Sôi nổi hoạt động vui xuân vùng biên giới Sông Mã

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, huyện Sông Mã đã và đang tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, đón tết ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Phần thi đi cà kheo tại giải thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 huyện Sông Mã.

Phần thi đi cà kheo tại giải thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 huyện Sông Mã.

Những ngày này, tại Quảng trường 3/2 của huyện đông vui, nhộn nhịp, nhân dân đến dự hội chợ xuân với các gian hàng bày bán nông sản, sản phẩm OCOP, cây cảnh, hoa tươi, cây mai, cây đào, sinh vật cảnh... Đây là địa điểm mở đầu cho các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, diễn ra từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2. Hội chợ xuân kết hợp Giải thể thao dân tộc truyền thống, xen kẽ biểu diễn các chương trình văn nghệ tạo ra sôi động. Các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, tung còn, tu lu, cà kheo, với sự tham gia của 7 đội thi đến từ các xã trong huyện, tạo không khí sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân đến xem và cổ vũ.

Anh Vừ A Động, xã Đứa Mòn, cho biết: Đội thi của chúng tôi gồm 10 thành viên. Chúng tôi đã tích cực luyện tập với quyết tâm giành được giải cao trong các phần thi. Được tham gia giải, chúng tôi rất phấn khởi, bởi đây là cơ hội để được giao lưu, học hỏi các xã bạn và nâng cao tinh thần đoàn kết trong đội thi.

Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đêm ngày 9/2 (30 tết), tổ chức Chương trình nghệ thuật mừng xuân Giáp Thìn 2024 và Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024); chương trình bắn pháo bông mừng năm mới tại Quảng trường 3/2. Trong ngày mùng 4 tết, huyện giao cho xã Nà Nghịu và thị trấn Sông Mã tổ chức giải thi đấu thể thao truyền thống và biểu diễn chương trình nghệ thuật kết hợp biểu diễn đường phố, với múa lân, nhảy đường phố... Ngoài ra, các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các hoạt động vui xuân, đón tết bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế và tính chất của từng sự kiện, đảm bảo tiết kiệm, an toàn, lành mạnh, văn minh và đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau kỳ nghỉ tết, từ ngày 17-24/2 (vào mùng 8-15/1 âm lịch), huyện sẽ tổ chức các lễ hội xuân, gồm: Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Chiềng Khương; Lễ hội Pó Pao, xã Huổi Một; Lễ hội Cầu mùa, xã Chiềng Cang; Lễ hội Dâng hương và Hội đua thuyền, xã Mường Hung. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các xã tổ chức lễ hội. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình việc chuẩn bị tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa đậm bản sắc dân tộc.

Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, cho biết: Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng lần đầu tiên được xã tổ chức tại bản Thống Nhất vào ngày 12/1 âm lịch. Lễ hội dự kiến gồm phần Lễ với nghi thức rước nước từ dòng Sông Mã về Đền thờ Hai Bà Trưng và chương trình dâng hương. Phần hội tổ chức các hoạt động thể thao, như kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, ném còn cho các đội thi đến từ các bản và nhiều trò chơi khác cho du khách trải nghiệm. Lễ hội được tổ chức nhằm giáo dục giá trị lịch sử, ý nghĩa của di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, từng bước phát triển thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Việc tổ chức các hoạt động, lễ hội trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán của huyện Sông Mã phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng ngoạn và du xuân của nhân dân và du khách thập phương. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, vừa động viên cán bộ, nhân dân thi đua lao động, sản xuất, vừa quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, con người và du lịch của huyện Sông Mã, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/soi-noi-hoat-dong-vui-xuan-vung-bien-gioi-song-ma-PAnMpPpIg.html