Sở GTVT Hòa Bình ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ

Những năm qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình (GTVT) đã tập trung nguồn vốn, nhân lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.

Tỉnh Hòa Bình tập trung vốn xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Tỉnh Hòa Bình tập trung vốn xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ.

Tập trung nguồn lực xây dựng đường giao thông

Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân, kết nối thuận lợi giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh kết nối giao thương, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình từng bước hoàn thiện, đồng bộ, thông suốt, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế. Các tuyến đường huyết mạch trọng điểm được đầu tư xây dựng, tuyến đường liên xã, liên tỉnh được cải tạo nâng cấp đã góp phần tạo nên sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông. Đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết: "Những năm qua, Sở đã tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT.

Tiếp đó, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng về việc giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình".

Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cũng tham mưu cho tỉnh cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Triển khai thực hiện đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km19 - Km53...

Đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) được nâng cấp và mở rộng.

Đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) được nâng cấp và mở rộng.

Theo ông Hậu, bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Sở cũng rà soát tham gia ý kiến lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có tích hợp các quy hoạch trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Sở thường xuyên kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để kịp thời tham mưu thực hiện kế hoạch năm 2023 đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh.

Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã và đang tập trung nguồn lực thực hiện đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã giai đoạn 2022 - 2025.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều dự án được triển khai mạnh, bước đầu thu được kết quả tốt.

Đơn cử như Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), được khởi công xây dựng từ đầu năm 2023 với tổng mức đầu tư khoảng 4.120 tỷ đồng. Đây là tuyến đường kết nối các huyện như: Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc và TP Hòa Bình; kết nối với các tuyến Cao tốc, Quốc lộ và những tuyến đường quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đó là Dự án Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình).

Hiện nay, Dự án đã được HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 32,5km từ địa phận thị trấn Đà Bắc (khoảng Km19+00) đến địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với tổng mức đầu tư khoảng 9.777 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng hệ thống đường đồng bộ

Vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6. Tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng với quy mô trên 4,6km đường đô thị.

Dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai - Hà Nội (giai đoạn 1) với số vốn gần 1.000 tỷ đồng cũng vừa khởi công xây dựng, quy mô khoảng 7,6km đường đô thị trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn.

Tỉnh Hòa Bình còn một số dự án công trình giao thông quan trọng khác đang được chuẩn bị đầu tư như: Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị đầu tư một số dự án công trình giao thông khác như: Dự án đầu tư xây dựng Đường Hồ Chí Minh đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến. Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15 đoạn từ Km0+00 - Km20+00. Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 12B đoạn qua tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng đến công tác nâng cấp và sửa chữa đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại.

Tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng đến công tác nâng cấp và sửa chữa đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại.

Theo ông Hậu nhận định, với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng phải đi trước một bước, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá, có tác động lan tỏa lớn.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch.

“Chúng tôi luôn tranh thủ nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm. Mục tiêu của tỉnh hướng tới là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng. Kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững”, ông Hậu cho biết.

Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020.

Tập trung các nguồn lực của tỉnh, đề xuất, kêu gọi nguồn hỗ trợ từ Trung ương, bộ, ngành và vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh Hòa Bình chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách, đầu tư xây dựng những tuyến đường kết nối khu vực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện, thành phố. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao, vùng xa.

Theo ông Hậu, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh là 23.889.941 triệu đồng trong thực hiện Đề án "hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025".

Mục tiêu cao nhất là hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, mở rộng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/so-gtvt-hoa-binh-uu-tien-phat-trien-ha-tang-giao-thong-duong-bo-post665324.html