So găng hai ông lớn ngành xây dựng Coteccons và Hòa Bình

Cả hai công ty đều có kết quả lợi nhuận tích cực trong 3 tháng cuối năm 2023. Một bên lãi sau thuế 101 tỷ đồng, một bên lãi ròng 69 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi này vẫn không thể thay đổi được cục diện cả năm.

Một năm khó khăn của Xây dựng Hòa Bình

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) đạt doanh thu 2.191 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, HBC ghi nhận lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Khoản lãi này càng có ý nghĩa hơn khi đã giúp công ty chấm dứt chuỗi thua lỗ liên tiếp của 4 quý trước đó.

So sánh lợi nhuận sau thuế qua các quý của HBC.

Xét lũy kế năm 2023, doanh thu của HBC chỉ dừng ở mức 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Bên cạnh đó, công ty cũng lỗ sau thuế 777 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong năm trước.

Khép lại một năm đầy khó khăn, doanh nghiệp lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ đạt được 60% kế hoạch doanh thu và không thể thực hiện mục tiêu lãi sau thuế 100 tỷ đồng như trong công bố tại đại hội cổ đông 2023.

Tính tới thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình chỉ còn 13.055 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với con số đầu năm.

Trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình kỳ vọng doanh thu sẽ đạt 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ chạm mức 433 tỷ đồng. Mức lãi trên còn cao hơn cả con số được ghi nhận trong năm 2019, thời điểm các doanh nghiệp xây dựng chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Trước đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình Group, đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho HBC. Cụ thể, doanh thu của công ty sẽ đạt mốc 19 tỷ USD (khoảng 464.265 tỷ đồng) và lợi nhuận lên tới gần 1 tỷ USD (tương đương 24.430 tỷ đồng) vào năm 2032.

Khả năng thực hiện mục tiêu trên vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, trước mắt, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang bị Bảo hiểm xã hội TP.HCM “réo tên” vì nợ hơn 39,3 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 9 tháng.

Kết quả khởi sắc của Coteccons

Trái ngược với HBC, CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) lại ghi nhận những kết quả tích cực trong quý II năm tài chính 2024 (1/10 – 31/12/2023) cũng như lũy kế 6 tháng.

Lũy kế 6 tháng trong năm 2024 của CTD có kết quả tích cực. Ảnh: Coteccons

Cụ thể, công ty có doanh thu thuần trong quý II đạt 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, đây vẫn là quý có doanh thu lớn nhất trong suốt 4 quý qua. Hơn hết, lợi nhuận sau thuế của CTD lên tới 69 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất trong 12 quý qua.

Lũy kế 6 tháng trong năm tài chính 2024, doanh thu thuần của CTD đạt 9.783 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lên tới 135 tỷ đồng, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Xét trong năm tài chính 2024, CTD đặt mục tiêu doanh thu 17.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 274 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, công ty đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 49% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng hoạt động.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CTD đạt 21.652 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm tài chính (30/6/2023).

Theo đánh giá của SSI Research, Xây dựng Coteccons được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024 sau quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, đối với mảng xây dựng công nghiệp, dự án nhà máy LEGO (tỉnh Bình Dương) hiện vẫn là dự án lớn nhất của Xây dựng Coteccons. Tính tới cuối tháng 11/2023, tỷ lệ bàn giao tại dự án này đã đạt 30%, do đó Xây dựng Coteccons được kỳ vọng sẽ ghi nhận phần doanh số bán hàng còn lại, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng, vào khoản doanh thu trong năm tài chính 2024 và quý I năm tài chính 2025.

Ngoài ra, CTD cũng đang tham gia xây dựng nhà máy lắp ráp sản phẩm Apple cho Foxconn ở Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD (khoảng 7.330 tỷ đồng). Công ty Chứng khoán VnDirect ước tính giá trị hợp đồng của Coteccons trong dự án này đạt khoảng 45 triệu USD (tương đương 1.099 tỷ đồng).

Theo đại diện của CTD, 2023 là một năm khó khăn chung của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng". Doanh nghiệp này kỳ vọng từ nửa sau năm 2024 tới nửa đầu năm 2025 sẽ là thời gian xoay chiều của ngành địa ốc.

Ngoài ra, FDI cũng đang là điểm sáng của Việt Nam với mức tăng trưởng rõ rệt về sản lượng đăng ký mới trong năm qua. Do đó, CTD hy vọng các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy cho các công ty toàn cầu trong tương lai.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/so-gang-hai-ong-lon-nganh-xay-dung-coteccons-va-hoa-binh-d208277.html