Siết quy định số lượt chuyến để hạn chế xe khách bỏ bến

Từ ngày 1/6 tới, xe khách tuyến cố định không đảm bảo đủ 70% số lượt chuyến/tháng sẽ bị thu hồi lốt. Điểm mới này trong Nghị định 41/2024/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng lốt 'ảo' tại các bến xe.

Chạy đúng phương án đăng ký

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực từ ngày 1/6 tới.

Trong đó, Nghị định số 41/2024/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quy định thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với các xe vận tải tuyến cố định.

Trước đây DN, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác tuyến và phải nộp lại phù hiệu cho cơ quan cấp khi DN, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục. Nay Nghị định 41/2024/NĐ-CP đã sửa đổi: DN, hợp tác xã bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với lốt (tài) đang khai thác khi trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của lốt (tài) đã đăng ký.

Về trình tự, Sở GTVT là đơn vị ban hành quyết định thu hồi. Trường hợp tuyến đăng ký khai thác chỉ có 1 lốt (tài) hoặc toàn bộ các lốt (tài) của tuyến đều thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe đã đăng ký thì thực hiện thu hồi thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công và thu hồi phù hiệu đã cấp cho phương tiện hoạt động trên tuyến.

Đồng thời, gửi quyết định thu hồi cho DN, hợp tác xã, bến xe khách hai đầu tuyến, Sở GTVT đầu tuyến bên kia và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT.

Nghị định cũng bổ sung quy định, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi, thực hiện cập nhật thông tin giờ xuất bến của lốt (tài) đã thu hồi vào phần mềm quản lý tuyến vận tải khách cố định của Bộ GTVT để các DN, hợp tác xã khác đăng ký khai thác tuyến theo quy định.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành, DN, hợp tác xã bị thu hồi không được đăng ký khai thác trên tuyến có lốt (tài) bị thu hồi. Sau thời gian này, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh trên tuyến có lốt (tài) bị thu hồi thì DN, hợp tác xã phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc sửa đổi nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc đơn vị vận tải chỉ đăng ký để giữ chỗ nhưng không hoạt động.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho các DN vận tải khác chủ động theo dõi, đăng ký lốt (tài) kịp thời khi trên tuyến có lốt (tài) bị thu hồi. Đảm bảo các lốt (tài) tại bến xe được khai thác hết công suất, đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách.

Loại bỏ lốt “ảo”

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, áp dụng quy định mới về đảm bảo số lượt chuyến theo từng tháng sẽ khiến nhiều DN không còn dám bỏ bến chạy dù bên ngoài.

“Khi lượng xe tuyến cố định ổn định, chất lượng dịch vụ tốt sẽ tạo nên sức cạnh tranh với những loại hình khác, kể cả xe trá hình. Vì vậy sửa đổi quy định, yêu cầu DN phải đảm bảo 70% số lượt chuyến/tháng là rất cần thiết” - vị này cho hay.

Ông Đoàn Ngọc Hùng - Trưởng phòng Điều hành Vận tải Công ty TNHH Văn Minh cho biết, trong hoạt động vận tải, để đảm bảo lốt (tài) các nhà xe có thể chủ động điều tiết dựa trên tình hình thực tế. Đối với các xe không khai thác đủ tuyến đăng kí, việc thu hồi lốt (tuyến) là phù hợp, bởi ở bến xe lốt ảo rất nhiều trong khi những DN cần lại không có.

“Việc siết chặt luồng tuyến, rà soát lại chặt chẽ những luồng nào không đủ, không hoạt động phải ngưng ngay để xe khác đăng ký là phù hợp với tình hình thực tế ở các bến xe” – ông Đoàn Ngọc Hùng nêu ý kiến.

Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt hoạt động kinh doanh cả vận tải tuyến cố định lẫn tuyến xe vận tải trá hình để tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho hành khách. Có như vậy mới hài hòa lợi ích của người dân, của DN và nhà nước, nâng cao chất lượng và sự tin cậy trong dịch vụ của nhà xe" - ông Đoàn Ngọc Hùng - Trưởng phòng Điều hành Vận tải Công ty TNHH Văn Minh

Ông Lê Anh Sơn - Công ty TNHH Văn Khánh cũng cho biết, quy định về việc xe phải chạy đủ số lốt 70%/tháng trở lên phù hợp với các DN ít xe như Văn Khánh. Bởi mỗi ngày đơn vị có 4 lượt xe (sáng một xe, chiều một xe) nếu chạy không đủ tuyến đăng kí thì bến sẽ thiếu xe chuyên tuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách.

Cũng theo đại diện các nhà xe, Nghị định 41/2024/NĐ-CP được đưa ra trong bối cảnh xe khách trá hình, xe công nghệ và tiện chuyến nở rộ, gây khó khăn cho các DN vận tải tuyến cố định nên cần phải có những quy định chặt chẽ đối với cả loại hình xe này.

Theo bà Phí Thị Vân Huyền - đại diện nhà xe Tú Hồng, việc thay đổi luồng tuyến trước mắt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà xe. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh doanh xe khách tuyến cố định tại các bến xe rất khó khăn, DN vận tải tuyến cố định rất cần những chính sách hỗ trợ từ bến xe và cơ quan quản lý Nhà nước để các nhà xe có thể vực dậy hoạt động vận tải, tăng sức cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/siet-quy-dinh-so-luot-chuyen-de-han-che-xe-khach-bo-ben.html