Siết chặt quản lý thị trường dịp Tết

Những ngày gần Tết Nguyên đán là lúc thị trường hàng hóa sôi động nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm tình trạng gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp. Do đó, công tác quản lý thị trường được các lực lượng chức năng xác định bước vào cao điểm với nhiều giải pháp quyết liệt.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại một địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại một địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không khí chuẩn bị hàng hóa Tết đang sôi động. Các siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ phục vụ người tiêu dùng. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch.

Đồng chí Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Theo quy luật, cứ đến dịp Tết là các gian thương thường lợi dụng để đưa những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng vào thị trường. Do vậy, công tác kiểm soát thị trường được Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn ở thời điểm này. Cùng với việc duy trì các kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, Cục đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn, từ giữa tháng 11/2023 và kết thúc vào cuối tháng 2/2024.

Theo đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn, nhất là các Đội quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình giá cả hàng hóa, diễn biến thị trường để xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, phát sinh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm như: kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các phương tiện vận chuyển đi qua địa bàn, các chợ dân sinh... Nội dung kiểm tra chú trọng vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật cũng như việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Những mặt hàng được tập trung kiểm soát là: bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại, xăng dầu ...

"Cục sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, đảm bảo quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường tuyệt đối tuân thủ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, không gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa" - đồng chí Phan Thế Anh khẳng định.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Ninh Bình là tỉnh có hoạt động dịch vụ du lịch phát triển, nên thị trường bán lẻ rất sôi động. Tuy không phải là điểm nóng, nơi phát luồng hàng hóa trong cả nước nhưng các hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, trên nhiều lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm kinh doanh hàng cấm, 107 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, tăng 164,6% so với năm 2022 (mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm); 25 vụ vi phạm về hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ (chủ yếu là quần áo, giầy dép, kính mắt, phụ tùng xe máy). Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đã phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm về kinh doanh thực phẩm bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị, nơi bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra còn phát hiện hơn 200 vụ vi phạm khác chủ yếu về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, công tác kiểm soát thị trường gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như: lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng lậu, hàng giả... rồi gửi hàng qua các đơn vị dịch vụ chuyển phát nhanh, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, phát hiện.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm thương mại, nhất là trong dịp Tết, cần có sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài ra, cần sự vào cuộc của người tiêu dùng, doanh nghiệp có hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ, thông tin nguồn gốc hàng hóa, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện, nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần chủ động phối hợp, khiếu nại với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái và bày bán công khai trên thị trường. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/siet-chat-quan-ly-thi-truong-dip-tet/d20240115085649423.htm