Sẽ cấp chứng chỉ hành nghề để ngăn các 'nhà giáo tự xưng'

Bộ GD-ĐT cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ giúp nâng cao vị thế của nhà giáo, nhằm phân biệt với những 'nhà giáo tự xưng' trên mạng xã hội - vốn không đủ tiêu chuẩn dạy học.

Đây là nội dung được Bộ GD-ĐT đưa ra tại tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều ngày 17/5.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cho hay, một trong những quy định được nêu tại dự thảo Luật Nhà giáo là việc sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Đây sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho những người đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Như vậy, những người đương nhiên được cấp chứng chỉ không cần qua sát hạch gồm 1,6 triệu giáo viên các trường công lập và ngoài công lập đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực.

Đối với các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có nguyện vọng cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Đối với những giáo viên tuyển mới sau khi luật có hiệu lực thi hành sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo ông Đức, để trở thành giáo viên có hai nguồn bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ theo quy định và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.

Trong cấu trúc mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được đào tạo trong các trường đại học sư phạm. Vì thế, với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm khi tham gia các khóa đào tạo này sẽ không phải học những nội dung trùng lặp và được rút ngắn thời gian đào tạo để sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục

Cục trưởng Cục Nhà giáo cũng cho biết, có những đối tượng không công tác trong các cơ sở giáo dục, chỉ dạy học online cũng có nhu cầu được cấp giấy phép. Theo ông, trong quá trình soạn thảo, ban soạn thảo đã đề cập đến, tuy nhiên những đối tượng này hoạt động nhanh và phức tạp, đặc biệt là những người đào tạo trực tuyến. Vì thế, ban soạn thảo sẽ có đề xuất thí điểm thực hiện quản lý một số đối tượng này, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung.

“Như vậy, chứng chỉ hành nghề này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhằm phân biệt những người đủ tư cách dạy học với người không đủ tiêu chuẩn để dạy học nhưng tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội”, ông Đức nói.

Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề này cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi về nơi công tác vì có giá trị sử dụng toàn quốc. Nhờ đó, cho dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giảm thủ tục khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc...

Trong năm 2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của hơn 547.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/se-cap-chung-chi-hanh-nghe-de-ngan-cac-nha-giao-tu-xung-2281807.html