Sắp sang năm Rồng, tôi đi ngắm loài rồng duy nhất còn tồn tại

Không chỉ sở hữu những cá thể rồng cổ với niên đại hàng triệu năm, quần đảo Komodo còn có nhiều địa điểm tham quan, hoạt động trải nghiệm thú vị.

 Quần đảo Komodo là nơi Hà Là Lạ luôn muốn quay trở lại.

Quần đảo Komodo là nơi Hà Là Lạ luôn muốn quay trở lại.

Nhắc đến "Xứ sở vạn đảo" Indonesia, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh Bali thơ mộng với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Ngoài ra, đất nước này còn sở hữu quần đảo Komodo, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch đam mê khám phá, "thiên đường" của dân mê lặn biển đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Tôi là Hà Là Lạ (Bùi Việt Hà), sinh sống tại TP.HCM - một người kể chuyện du lịch, thích nhìn ngắm, tìm hiểu về những nét đặc trưng bản địa. Đặt chân đến quần đảo Komodo khiến tôi không ngừng "wow" bởi vẻ đẹp nguyên sơ, cảnh sắc ấn tượng của vùng biển này, kể cả khi dịch vụ hạ tầng ở đây chưa thực sự phát triển.

Komodo không chỉ có rồng

Quần đảo Komodo gồm hòn đảo lớn nhất có cùng tên gọi và một số đảo khác như Padar, Kelor, Kalong Island... Phần lớn du khách tìm đến nơi này vì sức hút của rồng Komodo khi nơi đây sở hữu khoảng 2.500 cá thể rồng duy nhất còn tồn tại. Đây thực chất là một loài bò sát lớn nhất thế giới, có niên đại hàng triệu năm đang sinh sống ở Vườn Quốc gia Komodo. Những con rồng trưởng thành có thể đạt chiều dài 3 mét, cân nặng lên đến 150 kg.

Loài động vật này có lớp da dày, thích sống ở vùng cỏ khô, khảo nguyên và trong các khu rừng nhiệt đới có độ cao thấp. Đến đây, tôi được quan sát, tìm hiểu về tập tính sinh hoạt, săn mồi của chúng.

 Rồng Komodo là loài động vật ăn thịt sống trên cạn, chúng thường săn các loại động vật có vú nhỏ, chẳng hạn như hươu, nai, lợn rừng và thậm chí cả ngựa.

Rồng Komodo là loài động vật ăn thịt sống trên cạn, chúng thường săn các loại động vật có vú nhỏ, chẳng hạn như hươu, nai, lợn rừng và thậm chí cả ngựa.

Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều điểm tham quan độc đáo khác khiến tôi không thôi thích thú. Chuyến hành trình kéo dài 7 ngày vẫn không đủ để tôi khám phá quần đảo Komodo.

Được ví như viên ngọc quý của quần đảo này - nơi có thể thu trọn biển cả vào trong tầm mắt, Padar Island thu hút nhiều người đến đây tham quan, check-in. Đây là hòn đảo lớn thứ 3 trong quần đảo, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với 3 vịnh riêng biệt, sở hữu những màu cát khác nhau gồm: trắng ngọc trai, màu tro than đen và màu hồng ngọc.

Padar nói riêng và nhiều hòn đảo ở Komodo nằm trên một hệ thống núi lửa. Thế nên nơi này có hệ thống động thực vật rất đa dạng nhờ lớp đất, tro núi lửa sau khi phun trào. Ở Padar, người ta đã tìm thấy 6 loài cá mập quý hiếm và một số cá thể rồng Komodo.

Cách người dân Komodo làm du lịch và thực hiện công tác bảo tồn khiến tôi thực sự ấn tượng. Những khu vực có rồng sinh sống, du khách chỉ được phép tham quan chứ không lưu trú lại đây để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế đe dọa đến môi trường sống của loài động vật này.

Quần đảo rộng lớn sở hữu nhiều điểm đến nổi bật thu hút du khách.

Quần đảo rộng lớn sở hữu nhiều điểm đến nổi bật thu hút du khách.

Đến Komodo Island, du khách có thể lựa chọn lưu trú tại thị trấn Labuan Bajo hoặc trên những chiếc thuyền buồm. Dịch vụ lưu trú trên những chiếc thuyền buồm với đầy đủ tiện nghi có mức giá khá cao, từ 3-10 triệu đồng/người/đêm.

Các hoạt động tham quan, trải nghiệm ở Komodo Island phụ thuộc nhiều vào phương tiện tàu thủy để đến được những điểm còn lại. Du khách có thể chủ động lựa chọn các loại tàu chậm (slow boat), tàu nhanh (speed boat), du thuyền tùy vào nhu cầu và năng lực tài chính.

Trong hành trình tour, tôi được tham quan Kalong Island, nơi có mạng lưới rừng ngập mặn rộng lớn - địa điểm cư trú của một trong những đàn dơi lớn nhất thế giới. Cứ cuối buổi chiều, hàng hàng lớp lớp tàu khách neo đậu ở đây ngắm hoàng hôn xuống trên biển, chờ đợi chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ khi hàng nghìn chú dơi khổng lồ tung cánh bay sang các đảo khác kiếm ăn. Chúng sẽ quay trở lại đảo để nghỉ ngơi vào sáng hôm sau.

Bãi cát hồng trải dài dưới làn nước trong xanh cũng để lại cho tôi khá nhiều ấn tượng. Màu hồng kỳ lạ này có được là do san hô hồng pha trộn với cát, tạo thành dải lụa hồng vắt ngang qua hòn đảo. Đây cũng là điểm đến chụp ảnh của nhiều tour du lịch, vì vậy không dễ để có được những tấm ảnh đẹp trên bãi cát hồng vắng người.

Ngoài ra, quần đảo còn sở hữu nhiều địa điểm tham quan ấn tượng khác như Kelor Island, Taka Makassar Island, Rangko Cave, Cunca Wulang... Không chỉ trên cạn, thế giới dưới mặt nước còn ẩn chứa nhiều điều thú vị khiến tôi say mê khám phá.

Mở ra thế giới mới

Vốn là người mang nỗi sợ với nước, đặc biệt những vùng nước sâu nơi chân không chạm đáy hay vùng nước tối không thấy rõ đáy khiến tôi cảm thấy bất an. Được biết vùng biển nơi đây rất đẹp, tôi quyết định thử thách bản thân bằng hoạt động lặn biển để chinh phục nỗi sợ này.

Lặn bình dưỡng khí (Scuba diving) ở Komodo Island không chỉ là một hoạt động giải trí, đây còn là cơ hội để khám phá thế giới dưới nước kỳ diệu và đầy màu sắc. Là một trong 7 điểm lặn biển đẹp nhất châu Á, Komodo Island sở hữu một loạt các điểm lặn độc đáo, từ những rạn san hô đa dạng đến các khu vực có dòng chảy mạnh, mang đến trải nghiệm khó quên cho mọi thợ lặn.

 Việt Hà chinh phục thành công nỗi sợ của bản thân.

Việt Hà chinh phục thành công nỗi sợ của bản thân.

Ở Komodo Island có đến 12 điểm lặn biển đẹp, trong đó nổi bật là Batu Bolong - nơi được mệnh danh là "vườn san hô sống" với đa dạng các loại sinh vật biển; Castle Rock và Crystal Rock là hai điểm lặn có dòng chảy mạnh, nơi sinh sống của cá mập búa, cá mập xám, và đàn cá ngừ khổng lồ; Manta Point là nơi lý tưởng để du khách ngắm nhìn cá đuối Manta khổng lồ.

Đa số các địa điểm đẹp đều yêu cầu người có bằng lặn ở trình độ Advance (nâng cao) và tích lũy đủ số ca lặn. Chưa có chứng chỉ Scuba diving, tôi chọn tham gia tour Discovery để khám phá sự đa dạng của những loại sinh vật biển và san hô nơi đây.

Thế giới dưới nước đa dạng và phong phú thôi thúc nữ du khách học lặn cũng như làm nhiều nội dung lặn biển và bảo vệ môi trường biển.

Thế giới dưới nước đa dạng và phong phú thôi thúc nữ du khách học lặn cũng như làm nhiều nội dung lặn biển và bảo vệ môi trường biển.

Trong ca lặn thứ nhất, người hướng dẫn hỗ trợ tôi tập các kỹ năng cơ bản và cách sử dụng thiết bị lặn. Ca tiếp theo là lúc tôi tự do vùng vẫy, khám phá đại dương xanh trong giới hạn độ sâu từ 8-10 m. Đây cũng chính là cảm hứng, động lực cho tôi học và lấy chứng chỉ lặn quốc tế để có thể khám phá thế giới đại dương mang vẻ đẹp ẩn dấu dưới làn nước bí ẩn kia trong tương lai.

Trong vài năm trở lại đây, các bộ môn snorkling (lặn ống thở) và free diving (lặn với bình dưỡng khí) ở Việt Nam khá phổ biến vì nước ta có đường bờ biển dài và đẹp. Mọi người tham gia các tour biển nhiều nhưng chưa có ý thức bảo vệ biển. Dưới góc độ của người làm sáng tạo nội dung du lịch, tôi dự định năm nay sẽ làm nhiều hơn về các trải nghiệm lặn biển ở Việt Nam cũng như cách hạn chế tác động đến môi trường biển.

Để trải nghiệm thêm trọn vẹn

Thời điểm đẹp nhất để tham quan, lặn biển ở quần đảo này là từ tháng 4 đến tháng 8. Đây là lúc thời tiết ổn định và tầm nhìn dưới nước tốt nhất. Nước trong suốt, tạo điều kiện lý tưởng để ngắm nhìn hệ sinh thái biển phong phú. Nếu muốn tham gia các tour lặn biển, du khách cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt cùng những chứng chỉ lặn PADI Open Water hoặc tương đương. Đối với các điểm lặn có dòng chảy mạnh như Castle Rock, Batu Bolong yêu cầu kỹ năng lặn ở trình độ Advance.

Đến đây vào mùa cao điểm, du khách nên dành thời gian dạo quanh thị trấn Labuan Bajo để lựa chọn nhà tour thích hợp cũng như chọn lựa và thử trang thiết bị phục vụ cho ngày lặn sau đó. Ngoài ra, để bay drone tại Padar Island và một số khu vực khác, các bạn hãy liên hệ trung tâm điều hành của Vườn Quốc gia Komodo để làm thủ tục đăng ký cũng như trả phí khoảng 1,5 triệu đồng.

Hành trình trải nghiệm của tôi kéo dài 7 ngày với tổng chi phí khoảng 27 triệu đồng. Chắc chắn trong tương lai, tôi sẽ quay trở lại quần đảo này để tiếp tục khám phá thế giới bên dưới đại dương.

Biên tập: Linh Huỳnh

Ảnh: Hà Là Lạ

Nguồn Znews: https://znews.vn/sap-sang-nam-rong-toi-di-ngam-loai-rong-duy-nhat-con-ton-tai-post1458649.html