Sản xuất sạch - Hướng đi tất yếu (Kỳ 2)

Sản xuất sạch giúp nông dân (ND) nâng cao chất lượng sản phẩm, còn người tiêu dùng có được sản phẩm sạch sử dụng. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm sạch cần hội tụ nhiều điều kiện, trong đó, tư duy sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Bài 2: Những thành công bước đầu

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh Long An thực hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả trong sản xuất sạch. Quan trọng hơn, người sản xuất và cả người tiêu dùng đã có cách nhìn khách quan trong việc sản xuất sạch và sử dụng sản phẩm sạch.

Mang lại hiệu quả cao

Sau khi đi tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Ông Trung cho biết, trước đây, khi trồng lúa, gia đình ông chủ yếu sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Từ khi biết đến việc sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn cho sức khỏe của người sử dụng và cả nhà nông, ông chuyển đổi cây trồng và hướng sản xuất.

Gia đình ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) sử dụng chế phẩm sinh học để phòng bệnh trên cây bưởi

Gia đình ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) sử dụng chế phẩm sinh học để phòng bệnh trên cây bưởi

“Sau khi cải tạo trên 5ha đất ruộng, tôi lắp đặt hệ thống ống tưới tự động để trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bón cho cây bưởi. Để phòng, trừ sâu, bệnh cho cây, tôi sử dụng ớt, tỏi, gừng xay ra ngâm. Để chống ruồi vàng, tôi dùng long não. Từ khi áp dụng biện pháp sinh học trong canh tác, bưởi ra trái nhiều hơn, chất lượng cũng ngon hơn” - ông Trung chia sẻ.

Do vườn cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng nên phát triển tốt, ít sâu, bệnh. Mỗi năm, ông Trung thu lợi nhuận từ vườn bưởi hữu cơ trên 400 triệu đồng.

Nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo hướng hữu cơ, hơn 5 năm qua, ông Phạm Nghĩa Văn (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) chuyển hẳn sang sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ cho vườn xoài. Gia đình ông có trên 7ha đất trồng lúa. Năm 2018, để tăng giá trị sản xuất, ông quyết định cải tạo đất và trồng xoài theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV hóa học mà sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc trừ nấm hữu cơ.

Vườn xoài của ông Phạm Nghĩa Văn (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) cho năng suất trên 15 tấn/ha

Vườn xoài của ông Phạm Nghĩa Văn (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) cho năng suất trên 15 tấn/ha

“Vườn xoài của gia đình tôi đạt năng suất bình quân trên 15 tấn/ha. Với giá bán từ 8.000-12.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình tôi thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng” - ông Văn nói.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Sản xuất theo hướng hữu cơ là xu hướng chung của nền nông nghiệp hiện đại nhằm bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Canh tác hữu cơ bắt buộc ND không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Điều này làm nhiều ND rất lo lắng về năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người dân vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận người dân dần có nhu cầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ và chấp nhận trả với giá cao để mua được sản phẩm chất lượng, an toàn”.

Diện tích đất sản xuất nhỏ, thường xuyên bị thương lái ép giá, anh Phạm Văn Quốc (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) quyết định chuyển sang sản xuất sạch để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Theo đó, anh chuyển sang trồng lúa hữu cơ, giống ST24 để bán gạo sạch thay vì trồng lúa thương phẩm như trước đây.

Anh Quốc cho biết: “Trước đây, đến mùa thu hoạch gần 8.000m2, tôi phải thuê người phơi khô lúa, sau đó, đem đến nhà máy xay xát từng đợt. Gạo chỉ bán được cho người quen, bạn bè. Không nản lòng, tôi lặn lội tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. May mắn thông qua người quen, tôi được một công ty bao tiêu đầu ra. Sau khi có đầu ra ổn định, tôi quyết định liên kết với một số ND để sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Đến nay, tôi liên kết được 3ha sản xuất lúa hữu cơ, trong đó, tôi bao lợi nhuận cho ND từ 15-25 triệu đồng/ha. Sản xuất sạch không hề dễ dàng nhưng nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ không thích ứng với sự phát triển của thị trường”.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 2.600ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải) hướng dẫn nông dân trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải) hướng dẫn nông dân trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều chính sách hỗ trợ

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện tích cực khuyến cáo ND trong huyện hạn chế sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất để tiến dần đến việc sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ. Từ những mô hình ban đầu như trên sẽ tạo ra tiền đề và bước đệm quan trọng giúp địa phương nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng rau lớn của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước triển khai nhiều chương trình, mô hình điểm về sản xuất rau an toàn, hữu cơ để thay đổi nhận thức của ND và nâng cao chất lượng rau trên địa bàn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Thời gian qua, các mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, hữu cơ trên địa bàn huyện đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của ND, giúp họ hiểu hơn lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại”.

Để nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, GlobalGAP,... Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh còn phối hợp các địa phương tăng cường vận động ND, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp cũng tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung như lúa, thanh long, chanh, rau,... Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều. Từ đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho ND tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP);...

Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, góp phần bảo đảm thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/san-xuat-sach-huong-di-tat-yeu-ky-2--a162860.html