Sản xuất công nghiệp Bắc Giang 3 tháng tăng hơn 11%

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, 3 tháng đầu năm nay giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (giá hiện hành) đạt 115.465 tỷ đồng, tăng 11,1%.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH SAMKWANG VINA, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam -TTXVN

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH SAMKWANG VINA, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam -TTXVN

Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2.515 tỷ đồng, giảm 3,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 13.025 tỷ đồng, tăng 20,7%; khu vực FDI 99.925 tỷ đồng, tăng 10,4%.

Trong bối cảnh chung, ngành công nghiệp Bắc Giang 3 tháng đầu năm 2023 đã phải đối mặt với thách thức lớn, nhất là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, một số sản phẩm tiếp tục gặp khó khăn như may mặc, chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm cho Samsung... Nhờ tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực.

Theo đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử với nhiều doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động ổn định và đang có xu hướng mở rộng sản xuất như Công ty Siflex, Công ty Fuyu, Công ty Luxshare… tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử quý I/2023 của tỉnh đạt 15,42%.

Các sản phẩm chủ lực tăng mạnh như: mạch in đạt 175,7 triệu chiếc, tăng 79,6%; máy thu, đổi và truyền hoặc tái tạo âm thanh, hình ảnh hoặc dạng dữ liệu khác, bao gồm thiết bị chuyển mạch và thiết bị định tuyến đạt 16,4 triệu cái, tăng 59%; tai nghe có nối với micro 120 triệu cái, tăng 8,7%....

Một số ngành sản xuất khác cũng tăng khá và có thêm 68 doanh nghiệp mới đi vào sản xuất góp phần vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 79,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,9%...

Quý I/2023, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; thành lập mới 4 cụm công nghiệp. Cùng với đó, Bắc Giang triển khai các bước quy hoạch 15 khu công nghiệp ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 và 7 khu công nghiệp thực hiện giai đoạn đến năm 2030; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư đối với 6 khu công nghiệp, sáp nhập 2 cụm công nghiệp vào khu công nghiệp.

Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận (từ đầu năm 2023 đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo thêm khoảng 186 ha đất sạch để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp Việt Hàn, Yên Lư, Quang Châu, Hòa Phú mở rộng).

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, quý II/2023 Bắc Giang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến trên cơ sở đáp ứng quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tỉnh ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư là thành viên cùng tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam với các ngành nghề tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại.

Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, sớm đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các khu công nghiệp Việt Hàn, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và các khu công nghiệp mới: Yên Lư, Tân Hưng, Hòa Phú mở rộng.

Năm 2023, Bắc Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 502.000 tỷ đồng (tăng 27% so năm 2022). Từ nay đến hết năm, Bắc Giang thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước.

Đồng thời, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới; hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp; tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm dịch vụ logistics thành phố Bắc Giang; kêu gọi thu hút nhà đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD), từng bước hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics trên địa bàn…/.

Việt Hùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-xuat-cong-nghiep-bac-giang-3-thang-tang-hon-11/287012.html