Sân chơi khoa học cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, qua đó rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai cho các em nhỏ, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Phước sau 15 năm phát động và tổ chức đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành truyền thống trong phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật, là sân chơi trí tuệ của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh.

Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước lần thứ XV vẫn được tổ chức. Đã có 1.200 sản phẩm, mô hình được các em học sinh gửi về dự thi ở cấp huyện, thị, thành phố và có 176 sản phẩm, mô hình được ban tổ chức lựa chọn tham gia cuộc thi cấp tỉnh.

Cuộc thi là hoạt động thường niên của thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh. Kết thúc vòng sơ khảo, ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh chọn được 101 sản phẩm, mô hình vào vòng chung khảo thuộc 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế; sản phẩm thân thiện với môi trường; phần mềm tin học. Trong đó có 23 mô hình, sản phẩm của các thí sinh thuộc lứa tuổi nhi đồng; 39 mô hình, sản phẩm thuộc lứa tuổi thiếu niên và 39 mô hình, sản phẩm thuộc lứa tuổi thanh niên.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Các sản phẩm tham gia cuộc thi năm nay đồng đều ở các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực về sản phẩm thân thiện với môi trường chiếm 30% số lượng sản phẩm. Cuộc thi thực sự trở thành sân chơi để ươm mầm những ý tưởng sáng tạo và rèn luyện tư duy khoa học cho các em. Các ý tưởng hầu hết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn học tập, vui chơi giải trí, kinh tế - xã hội. Đã có một số sản phẩm có tính ứng dụng rất tốt.

Theo các thành viên ban giám khảo, cuộc thi năm nay đa dạng, phong phú về số lượng, chất lượng cũng được nâng lên, thể hiện nhiều ý tưởng sáng tạo của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng từ bậc tiểu học đến THPT. Tại vòng thi chung khảo, các thí sinh đã thuyết trình trước ban giám khảo về ý tưởng sản phẩm, mô hình của mình. Các em rất bản lĩnh, tự tin suy nghĩ trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm câu hỏi của ban giám khảo.

“Thông qua cuộc thi này, chúng tôi thấy được các em có khả năng thuyết trình rất tốt. Các em còn biết trình bày ý tưởng của mình thông qua các mô hình sáng tạo cụ thể. Sản phẩm của các em có thể ứng dụng vào việc học trong nhà trường, mang lại kết quả học tập tốt hơn” - ông Bùi Thanh Liêm, chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, thành viên ban giám khảo cuộc thi nhận xét.

Dù kết quả như thế nào thì đối với các em đây cũng là dịp trải nghiệm lớn, là cơ hội học tập nâng cao khả năng tư duy sáng tạo trong cuộc đời học sinh của mình. Qua đó bồi dưỡng kỹ năng sống, định hướng ngành nghề phù hợp cho các em trong tương lai. Còn đối với các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, sân chơi này cũng chính là nơi giúp con em họ rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

“Cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích cho các em học sinh đam mê, tìm tòi nghiên cứu khoa học, phát huy được sức mạnh sáng tạo ở thanh, thiếu niên nhi đồng. Đây sẽ là cơ sở và nguồn cảm hứng tạo ra động lực chung cho sức sáng tạo của toàn xã hội” - cô Kiều Thị Ánh Nga, giáo viên Trường THCS Bù Nho, huyện Phú Riềng khẳng định.

Anh Vũ Đình Doanh ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết: “Thông qua các cuộc thi như thế này con em của chúng tôi có điều kiện được giao lưu, học hỏi, được rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin. Đây là nền tảng để các cháu tự tin bước ra xã hội, làm chủ đất nước sau này”.

Kết quả chấm chung khảo, đã có 59 sản phẩm, mô hình được xét trao giải, trong đó có 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 30 giải khuyến khích. Ngoài ra còn có 11 giải thưởng khác, gồm: 1 giải thí sinh nhỏ tuổi nhất, 1 giải mô hình đẹp nhất, 9 giải dành cho thí sinh là người dân tộc thiểu số có mô hình sản phẩm lọt vào vòng chung khảo đạt từ 50 điểm trở lên.

“Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh rất mong trong cuộc thi lần tới các em thanh thiếu niên nhi đồng sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi nhiều hơn nữa. Mong các em vận dụng những kiến thức đã học để phát huy ý tưởng sáng tạo, rèn luyện tư duy của mình để các mô hình sản phẩm của các em tham gia cuộc thi sẽ được nâng cao hơn về chất lượng và tính ứng dụng trong thực tế” - bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi mong muốn.

“Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước đã giúp các em được trải nghiệm với đam mê nghiên cứu, làm quen với kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, lập luận logic, nâng cao mối quan hệ giao tiếp cho học sinh. Chính những yếu tố này mang lại lợi ích lâu dài cho các em, đó cũng là sự cần thiết cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hội nhập quốc tế, hào hứng làm việc, say mê nghiên cứu, phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo của mình” - thầy Nguyễn Thanh Lâm, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Điểu Ong, huyện Bù Đăng nói.

Thành công của cuộc thi không phải là số lượng các sản phẩm đoạt giải mỗi năm mà là sự nhiệt tình, tinh thần chủ động, niềm say mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Chính sự tự tin, sáng tạo của các em đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người và tạo cho phong trào sáng tạo có sức lan tỏa sâu rộng những năm tiếp theo. Các em tự tin chinh phục đỉnh cao tri thức để trở thành các nhà khoa học thực thụ trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi (thứ ba từ trái qua) xem phần thuyết trình của thí sinh

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi (thứ ba từ trái qua) xem phần thuyết trình của thí sinh

Em Lê Văn Bảo, học sinh lớp 9A3, Trường TH&THCS Thuận Lợi, huyện Đồng Phú trình bày trước Ban giám khảo về “Thiết bị hỗ trợ học tập hệ thống đo điện trở đoạn dây, tăng giảm tốc đảo chiều động cơ và điều khiển độ sáng của đèn”

Em Lê Văn Bảo, học sinh lớp 9A3, Trường TH&THCS Thuận Lợi, huyện Đồng Phú trình bày trước Ban giám khảo về “Thiết bị hỗ trợ học tập hệ thống đo điện trở đoạn dây, tăng giảm tốc đảo chiều động cơ và điều khiển độ sáng của đèn”

Cuộc thi đã nâng cao khả năng thuyết trình của các em học sinh

Cuộc thi đã nâng cao khả năng thuyết trình của các em học sinh

Em Nguyễn Đình Duy, lớp 11A1, Trường THPT Thống Nhất, huyện Bù Đăng thuyết trình sản phẩm “Hạ pha tắt xi nhan tự động” trước các thành viên Ban giám khảo

Em Nguyễn Đình Duy, lớp 11A1, Trường THPT Thống Nhất, huyện Bù Đăng thuyết trình sản phẩm “Hạ pha tắt xi nhan tự động” trước các thành viên Ban giám khảo

Cải tiến hệ thống nuôi cấy tảo Sprirulina Platensis, sản phẩm của hai em học sinh Nguyễn Đức Trung và Hoàng Văn Lập, Trường THPT chuyên Quang Trung

Em Nguyễn Minh Hạnh, Trường THCS Tiến Hưng, thuyết minh sản phẩm “Nước chấm từ trái điều” của mình trước các thành viên Ban giám khảo.

Em Nguyễn Minh Hạnh, Trường THCS Tiến Hưng, thuyết minh sản phẩm “Nước chấm từ trái điều” của mình trước các thành viên Ban giám khảo.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/138048/san-choi-khoa-hoc-cho-thanh-thieu-nien-nhi-dong