Sách quý hiếm 'Làm đĩ' của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất hiện trở lại sau gần 90 năm

Một nhà sưu tập sách tại TP.HCM cho biết đang sở hữu quyển tiểu thuyết 'Làm đĩ' của nhà văn Vũ Trọng Phụng, bản in đầu xuất bản năm 1939.

Trải qua nhiều biến thiên của đời sống, xã hội, chiến tranh…đến nay, bản in đầu cuốn tiểu thuyết ‘Làm đĩ’ của nhà văn Vũ Trọng Phụng sáng tác cách đây gần 90 năm đã được tìm thấy bởi anh Lê Minh Nhựt (43 tuổi), một nhà sưu tập sách trẻ tuổi ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Ấn phẩm 'vàng' mua từ hàng...phế liệu

"Làm đĩ" là tiểu thuyết phóng sự lấy bối cảnh những năm 30 của thể kỷ trước, kể câu chuyện cuộc đời của Huyền, một cô gái lầm lỡ vào con đường làm gái mại dâm. Thông qua Huyền, nhà văn Vũ Trọng Phụng gián tiếp mô tả lại hiện thực xã hội Việt Nam trong buổi giao thời văn hóa Đông-Tây. Một bên là những trào lưu giải phóng bản thân, vượt ra khỏi khuôn khổ cựu thời mang dáng vóc nữ quyền. Một bên là đền đài kiên cố của văn hóa truyền thống, dù cơn bão của văn minh Tây phương tấn công dữ dội nhưng vẫn không hề nghiêng ngả. Tác phẩm phê phán lối sống phóng túng của một lớp người bị phân hóa, vừa là câu chuyện nhân văn, bám sát thời đại sống của tác giả.

Nhà sưu tập Lê Minh Nhựt. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Chia sẻ với PLO, anh Nhựt cho biết cơ duyên với ấn bản này do một số người hành nghề thu mua phế liệu bán cho anh. Thấy bìa sách lạ so với các quyển "Làm đĩ" từng xuất hiện trên thị trường, anh vẫn chưa biết đây là bản in năm 1939.

Năm 1939, nhà xuất bản Mai Lĩnh xuất bản quyển "Làm đĩ" có độ dày 253 trang, số lượng 3.104 cuốn. Trước đó, tác phẩm này được chia ra thành nhiều kỳ và đăng trên Tuần báo Sông Hương do Phan Khôi làm chủ nhiệm, bắt đầu từ số 3 (15-8-1936). Ngày 31-5-1937, Phan Khôi chuyển giao quyền quản lý tờ báo cho Nguyễn Cửu Thạnh, công việc đăng tiếp các kỳ cuối bị bỏ dở.

“Mua được quyển này nhưng tôi vẫn chưa biết nó in năm nào, vì trước giờ chưa từng thấy ai có. Vậy nên tôi đăng lên một hội nhóm sưu tầm sách để dò hỏi, nhiều anh chị sưu tầm lâu năm liền sửng sốt và cho biết đây là bản in đầu tiên, rất quý hiếm” – anh Lê Minh Nhựt chia sẻ.

Nhà sưu tập sách Hoàng Minh khá bất ngờ vì tiểu thuyết "Làm đĩ" bản in 1939 xuất hiện trở lại sau hàng chục năm tưởng chừng như thất truyền. Ảnh: NVCC.

Anh Hoàng Minh (52 tuổi, ngụ quận Tân Bình), một trong những nhà sưu tập kỳ cựu trong giới ‘chơi sách’, từng nghĩ "Làm đĩ" dường như bị thất truyền, khi nhìn thấy cái ấn phẩm ‘vàng’ liền tỏ ra thích thú và thấy may mắn vì quyển sách vẫn còn tồn tại.

Anh Minh cho biết thêm, về mặt sưu tầm, sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất bản trước năm 1945 ít khi xuất hiện. Lượng sách của nhà văn này in trước năm 1945 lên đến hàng nghìn quyển, ngày nay không còn nhiều có thể do biến động về mặt xã hội bởi chiến tranh, dân cư, thời tiết.

"Không chỉ "Làm đĩ" các tác phẩm khác như "Cơm thầy cơm cô""Lục xì" (NXB Minh Phương, 1937), "Giông tố" (NXB Văn Thanh, 1937), "Số đỏ" (NXB Lê Cường, 1938) cũng được liệt vào hàng quý hiếm" - anh Hoàng Minh chia sẻ.

Nhà văn hóa Phan Khôi: Trong thế gian chẳng có gì là 'dơ bẩn'

"Làm đĩ" được đăng lần đầu dưới dạng Feuilleton, một kiểu tiểu thuyết dài kì đăng báo. Phần 1 được đăng trên Tuần báo Sông Hương số 3 ra ngày 15-8-1936, xã hội bắt đầu xôn xao khen chê, như trường hợp một cha đạo công giáo cho rằng tác phẩm là câu chuyện ‘dơ bẩn’.

Nhà thơ-nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho biết khi công bố tác phẩm này lần đầu tiên trên báo Sông Hương, ngay lập tức đã có sự tranh luận.

"Nhà văn hóa Phan Khôi - chủ bút tờ Sông Hương và tác giả Vũ Trọng Phụng đã có bài viết bảo vệ quan điểm của mình. "Làm đĩ" cũng như tập phóng sự "Lục xì" đã tạo ra cuộc bút chiến: Văn chương dâm uế” – nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

Nhà thơ-Nhà nghiên cứu văn học Lê Minh Quốc. Ảnh: FACEBOOK NHÂN VẬT.

Sức dẫn của tác phẩm không chỉ do sự tò mò, chú ý của bạn đọc về những ồn ào xung quanh vấn đề phong hóa vào thời điểm đó, mà theo nhà thơ Lê Minh Quốc, còn đến từ nội thân nhà văn Vũ Trọng Phụng trong việc khai thác sâu nội tâm nhân vật, khác với các cây bút đương thời để tạo ra một bản sắc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, ý hướng giáo dục giới tính mà tác giả muốn gửi gắm, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Thẻ công tác báo chí của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) tặng cho một người bạn tại Sài Gòn. Trên thẻ mô tả ông đang làm phóng viên tại Hải Phòng tuần báo và có bút tích của cố nhà văn. Ảnh: HOÀNG MINH.

Hiện nay, khi đọc lại "Làm đĩ", tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất vẫn là lúc chúng ta có ý thức giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu đúng đắn về vấn đề giới tính. Không thể là sự tò mò của nhân vật Huyền. Công việc này phải như thế nào, bắt đầu từ đâu và thực thế nào cho hiệu quả là câu hỏi vẫn còn mang tính thời sự”- Nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh

Phan Khôi bảo vệ 'Làm Đĩ' trước mũi dùi dư luận

Nhà thơ-nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho biết, khi "Làm đĩ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất hiện, một cuộc tranh luận bắt đầu bùng nổ trên văn đàn Việt Nam với sự tham gia của Thái Phỉ, Nhất Chi Mai, Phan Khôi...

Điển hình, một cha cố đạo công giáo đã gửi thư đến tòa soạn Tuần báo Sông Hương đề nghị không nên đăng tiếp vì "sẽ làm dơ bẩn tờ báo và hại phong tục thêm". Lập tức, nhà văn hóa Phan Khôi phản biện trở lại bằng hình thức một bức thư đăng trên số báo Sông Hương ra ngày 22-8-1936 để bảo vệ tác phẩm. Ông cho rằng tác phẩm chỉ nói những lời đứng đắn, không hề có ý gợi tình dục cho người đọc.

Đáp trả lại từ 'dơ bẩn' do cha cố đạo gán ghép, Phan Khôi nói: "Trong thế gian chẳng có gì là dơ bẩn, dù đồ ăn dơ bẩn nó vào bụng người ta rồi nó cũng trở ra nơi kín - mà chỉ có những điều từ trong lòng người ta mà ra dơ bẩn mà thôi, ấy là những ác tưởng, những sự kiêu ngạo, những điều phạm thượng".

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sach-quy-hiem-lam-di-cua-nha-van-vu-trong-phung-xuat-hien-tro-lai-sau-gan-90-nam-post761501.html