Rộn ràng nhịp sống mới

BHG - Những “trái ngọt” sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 27) được hiện hữu bằng nhịp sống mới trên khắp bản làng. Hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc dần xóa bỏ và được thay thế bằng hơi thở cuộc sống ấm no.

Bà con dân tộc La Chí, xã Nà Khương (Quang Bình) gìn giữ trang phục truyền thống, đẩy lùi hủ tục.

Với sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cùng việc nhất quán quan điểm xuyên suốt “thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững” và phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” đã đánh bật một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc bám rễ sâu trong đời sống người dân. Nghị quyết 27 thấm vào đời sống như một làn gió mới căng tràn sức Xuân, dẫn lối đồng bào dựng xây no ấm bằng nhịp sống mới.

Lâu nay, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang luôn bị cái nghèo đeo bám; rào cản lớn nhất đó là một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, như: Người chết chưa đưa vào áo quan khi làm tang ma; giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra; một số nghi lễ trong cúng bái còn rườm rà, gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe người dân; một số phong tục, truyền thống tốt đẹp có nơi bị lợi dụng, biến tướng, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tốt; phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng một số dân tộc thiểu số đang bị mai một…

Từ khi xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh và phát triển du lịch, đời sống người dân Mèo Vạc ngày một ấm no.

Trên quan điểm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tỉnh xác định việc thay đổi nếp sống, suy nghĩ của đồng bào các dân tộc không phải chuyện “một sớm, một chiều” nên đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để truyền cảm hứng cho nhân dân đi theo con đường của Đảng. Sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm và kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc khi thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, đã giúp thay đổi tư duy người dân, mang lại cuộc sống ấm no nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhịp sống mới hôm nay như những tia nắng mùa Xuân ấm áp, tỏa lan niềm vui lớn khắp các bản làng khi toàn tỉnh có tới gần 10 nghìn cặp đôi đăng ký kết hôn, các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh với tinh thần vui tươi, tiết kiệm hơn; các nghi lễ như: Dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt, đăng ký kết hôn được đơn giản hóa, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về lễ vật, cơ bản phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình; tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm; nhiều thôn bản đã xóa bỏ được hủ tục này. Việc tổ chức tang lễ trong các dân tộc chuyển biến rõ nét; đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa.

Bà con dân tộc Tày thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) hân hoan trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Các hủ tục trong đám tang dần loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và thực hiện các thủ tục rườm rà khác; bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn, những yếu tố mê tín dị đoan dần loại bỏ; hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc trâu, bò, rượu chè trong nhiều ngày. Đa số thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các lễ hội tổ chức đúng quy định, trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại các lễ hội nhằm thu hút người dân và du khách tham gia… đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nghị quyết 27 khẳng định tính đúng đắn khi chỉ sau hơn 1 năm đi vào đời sống, đã mang hơi thở cuộc sống ấm no về khắp bản làng. Từ mùi cơm mới quyện trong khói lam chiều; tiếng mõ trâu, bò lốc cốc về chuồng trong mỗi buổi hoàng hôn; tiếng trẻ em ê a học bài vang vọng núi rừng; tiếng máy móc rộn ràng đồng ruộng tới những đám cưới tiết kiệm, đầm ấm; đám tang nghi lễ gọn nhẹ, giảm bớt gánh nặng cho người thân… Tất cả đã hòa quyện, vẽ nên bức tranh no ấm nơi cực Bắc và giúp khăng khít thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng để giúp Hà Giang vươn mình trên đất khó.

Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học góp phần quan trọng xóa bỏ hủ tục.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202402/ron-rang-nhip-song-moi-833234b/