Review 'góc khuất ngành học' có gì hay mà học sinh cứ sơ hở là đọc?

Học sinh có xu hướng hỏi về góc khuất và đọc review xấu về ngành. Chuyên viên tâm lý cho rằng đây là một hiện tượng dễ hiểu nhưng học sinh cũng cần tỉnh táo và đọc có chọn lọc.

Các nội dung xấu về ngành học trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành của học sinh. Ảnh minh họa: Minh Sơn.

“Thông tin tiêu cực thì dễ thu hút người đọc, người xem, đó là tâm lý chung của con người. Thông tin về ‘góc khuất ngành học’ cũng vậy. Học sinh chúng em ai cũng tò mò, muốn tìm hiểu về ‘mặt xấu', nhược điểm của ngành mình định theo học".

Đó là chia sẻ của Ngọc Vương (học sinh lớp 11 tại TP.HCM) khi được hỏi về lý do học sinh thích tìm hiểu về thông tin “góc khuất ngành học".

Không riêng Vương, nhiều học sinh khác cũng quan tâm đến các nội dung liên quan đến mặt tối, mặt tiêu cực về ngành học mà ít người biết.

Ưu điểm thì ai cũng biết, nhưng “góc khuất” thì không

Ngọc Vương đang trong giai đoạn tìm hiểu các ngành học để chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển vào năm tới. Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin về ưu điểm, chương trình học, lợi thế ra trường, Vương cũng không tránh khỏi tò mò về những “góc khuất” ngành Tâm lý học định theo đuổi, thậm chí, em còn chủ động tìm kiếm.

“Em hỏi thầy cô, anh chị đi trước về nhược điểm của ngành học này. Bên cạnh đó, em cũng chủ động tìm hiểu thêm trên mạng xã hội. Trên các diễn đàn, khá nhiều nội dung liên quan đến chủ đề này", Vương chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Vương, trên mạng xã hội, bên cạnh thông tin đúng là không ít thông tin một chiều, chê ngành Tâm lý học một cách phiến diện. Những nội dung như vậy vẫn thu hút được lượng tương tác lớn của học sinh, sinh viên.

Các nội dung về góc khuất, mặt tối ngành học thường thu hút sự quan tâm của học sinh.

Khi được hỏi lý do học sinh quan tâm, Vương cho hay ở góc độ cá nhân, em mong muốn có những chủ đề như vậy để có lựa chọn thấu đáo và kỹ càng hơn. Bên cạnh đó, nam sinh cũng kịp thời chuẩn bị tâm lý khi theo đuổi ngành học, cũng như có kinh nghiệm từ anh chị đi trước bởi những chia sẻ chủ yếu đến từ trải nghiệm cá nhân.

Tương tự, Huyền Châm (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng cho rằng những học sinh đang lưỡng lự trước các lựa chọn đều có xu hướng tìm hiểu “góc khuất” ngành học để cân nhắc.

Theo nữ sinh, “mặt tốt" của ngành học thì trường nào cũng sẽ “show” ra để thu hút thí sinh, còn nhược điểm không phải trường nào cũng nói, phải ai trải qua rồi mới biết. Vì vậy, những review của sinh viên đi trước cũng là nguồn thông tin có thể tham khảo.

“Chúng em cũng muốn nghe từ nhiều phía trước khi đưa ra quyết định, cũng là để chuẩn bị tinh thần", Châm nói.

Lý do nội dung góc khuất hấp dẫn người đọc

Trao đổi với Tri thức - Znews về việc học sinh tìm đọc các nội dung review góc khuất ngành học, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), nói rằng người dùng mạng xã hội có xu hướng tập trung vào những thông tin tiêu cực hoặc drama. Do đó, anh không thấy khó hiểu khi những nội dung về mặt tối của ngành học, nghề nghiệp lại thu hút người đọc nhiều hơn.

Theo anh Tâm An, những bài chia sẻ góc khuất về ngành học, nghề nghiệp thường tập trung loạt thông tin tiêu cực vì 3 lý do chính.

Lý do thứ nhất là “đề bài” yêu cầu chỉ ra góc khuất, khó khăn của nghề. Việc người đăng bài đưa ra chủ đề hẹp như vậy sẽ rất khó để người dùng chia sẻ các góc nhìn đa chiều.

Lý do thứ hai là những bình luận chỉ chê bai có thể xuất phát từ những cá nhân đang cảm thấy "vỡ mộng" khi tưởng tượng và hiện thực quá khác xa nhau, hoặc chương trình đào tạo của trường các bạn đang theo học có những điều gây bức xúc nên các bạn mượn các chủ đề này để "xả" cảm xúc tiêu cực.

Lý do thứ ba là mạng xã hội là kênh thông tin đa chiều nhưng ít được kiểm chứng, những chia sẻ trên mạng vốn không có tính kiểm duyệt, kiểm chứng, sẽ tạo điều kiện cho người dùng “khuếch đại” vấn đề đang bàn bạc.

Nếu tiếp nhận các thông tin về ngành nhưng thiếu sự chọn lọc, học sinh sẽ dễ cảm thấy hoang mang, mông lung về ngành mình đang nhắm đến.

Do đó, chuyên viên tâm lý khuyên khi đọc những thông tin tiêu cực, học sinh cần lưu ý để tránh gây ra những suy nghĩ phiến diện, một chiều.

Ngoài ra, các bạn cũng nên nhớ một điều là bình luận trên mạng chỉ mang tính chất trải nghiệm cá nhân. Những trải nghiệm ấy không đại diện cho toàn bộ ngành nghề và vẫn luôn có những cá nhân vượt trội, thành công trong lĩnh vực này.

Đừng chỉ nhìn hào quang của ngành học

Khi tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, anh Tâm An vẫn thường xuyên nhắc học sinh không nên quá mơ mộng đến hào quang của nghề mà phải tìm hiểu về những khó khăn trong công việc mà mình dự tính theo đuổi.

Khi tư vấn cho học sinh, anh Tâm An luôn khuyên các bạn nên nhìn vào nhiều khía cạnh của ngành học. Ảnh: NVCC.

Lý do là mọi công việc, mọi ngành nghề đều có những rủi ro, và việc một người có thể sống lâu, sống bền, gắn bó với nghề đó phụ thuộc vào năng lực bản thân liệu có đủ khắc phục những khó khăn đó hay không.

Nhìn chung, anh Tâm An cho rằng việc học sinh cân nhắc những yếu tố khó khăn nghề nghiệp là một điều cần thiết trong quá trình hướng nghiệp và tự hướng nghiệp. Nhưng việc người dùng mạng xã hội nói quá hoặc bịa đặt về ngành học có thể để lại ảnh hưởng xấu đến học sinh.

“Đọc review về ngành nghề là một yếu tố quan trọng, nhưng các bạn không được quên việc tìm hiểu về chính bản thân mình mới đảm bảo yếu tố cần - đủ trong việc hướng nghiệp. ‘Biết người, biết ta’ được thể hiện ở chỗ bạn hiểu rõ về khả năng, đam mê của bản thân và hiểu về đặc trưng, yêu cầu, nhiệm vụ nghề nghiệp mà mình muốn lựa chọn”, anh Tâm An nhấn mạnh.

Từ những vấn đề trên, anh Tâm An khuyên rằng trong quá trình xác định nghề nghiệp, sĩ tử cần lấy trọng tâm là việc hiểu bản thân mình (thông qua các bài trắc nghiệm tâm lý chính thống; thông qua việc quan sát quá trình học tập, hoạt động, giao tiếp của bản thân; thông qua cảm nhận của những người thân xung quanh), sau đó các bạn đối chiếu với mô tả của ngành nghề.

Sự tương đồng giữa bản thân và mô tả ngành nghề càng lớn sẽ càng giúp học sinh tự tin với quyết định lựa chọn. Lưu ý là việc tham khảo những khó khăn của ngành chỉ là một trong những cách kiểm tra lại tính phù hợp của bản thân và ngành đó.

Ngoài ra, sĩ tử cũng nên đa dạng các kênh thông tin trong việc đọc review ngành, nghề. Theo đó, các bạn nên tìm những kênh thông tin chính thống như báo chí, truyền hình, phát thanh... vì đã có sự sàng lọc kiểm chứng của đơn vị truyền thông.

Tiếp đó là theo dõi thông tin của các chuyên gia về hướng nghiệp (có thể kiểm chứng thông qua tên tuổi của họ trên các phương tiện truyền thông chính thống) để có những góc nhìn khoa học, đúng mực.

Nếu quyết định đọc bình luận hoặc xem clip review của những cá nhân khác, các bạn nên thử kiểm tra họ có thật sự là sinh viên hoặc người đang đi làm ngành nghề đó không, hay chỉ đơn giản là một người nào đó đang làm nội dung trên mạng xã hội.

Chuyên viên tâm lý tin rằng việc thực hiện những bước kiểm chứng này giúp học sinh tiếp nhận thông tin một cách phù hợp và không còn hoang mang với lựa chọn ngành học của bản thân.

Ngọc Vương và Huyền Châm cũng khuyên học sinh nên kiên định với lựa chọn của mình và biết chắt lọc thông tin. Nếu không, trước những thông tin tiêu cực, phiến diện, các bạn có thể bị ảnh hưởng, băn khoăn khi chọn ngành,

Cả 2 học sinh cũng cho rằng để tránh ảnh hưởng đến tâm lý chung, những chủ đề như trên nên thay đổi góc nhìn bởi “góc khuất" mang cảm giác nặng nề, hơi hướm tiêu cực. Thay vào đó, các chủ đề tư vấn, review nên là những thách thức, khó khăn phải đối mặt khi theo học ngành đó.

Bên cạnh đó, khi chia sẻ về nhược điểm của ngành học, người review, tư vấn nên đưa ra cái nhìn tổng quát để học sinh có góc nhìn toàn diện hơn.

“Ngành học nào cũng có hai mặt ưu - nhược điểm. Em nghĩ khi tìm hiểu, học sinh cũng cần nắm rõ cả 2 mặt này để hiểu về ngành học mình định theo đuổi. Quan trọng là do bản thân mình chứ không thể đổ lỗi tại ngành có nhiều ‘mặt xấu'”, Châm chia sẻ.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/review-goc-khuat-nganh-hoc-co-gi-hay-ma-hoc-sinh-cu-so-ho-la-doc-post1471097.html