Rà soát kỹ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Góp ý vào báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và hiệu quả khi được thông qua và đi vào thực tiễn.

Rà soát, tránh xung đột pháp lý

Một nội dung mà nhiều đại biểu băn khoăn là các quy định liên quan đến di sản tư liệu, đang có sự chồng lấn, giao thoa, thậm chí mâu thuẫn giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Vì vậy, "cần rà soát kỹ để khi thông qua hai dự thảo Luật này không có nội dung xung đột pháp lý với nhau và trong quá trình thực hiện không gặp vướng mắc”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý.

Có sự xung đột giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Mộc bản triều Nguyễn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra, quy định về tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đang chồng lấn, trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia quy định trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Về thẩm quyền cho phép đưa bảo vật quốc gia, di sản tư liệu ra nước ngoài trưng bày, nghiên cứu, bảo quản theo quy định của Luật Di sản văn hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định; trong khi thẩm quyền đưa ra nước ngoài đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt theo quy định của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định. Vậy khi đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là di sản tư liệu ra nước ngoài thì sẽ xin phép Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Nội vụ?

Hay quy định bản sao giữa hai dự thảo Luật cũng khác nhau. Với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bản sao không có giá trị như bản gốc, nhưng đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), bản sao có giá trị như tài liệu lưu trữ gốc. "Khi tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia, chúng ta sử dụng bản sao như thế nào?" - đại biểu Việt Nga đặt câu hỏi.

Bên cạnh nội dung chồng lấn với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần rà soát cho thống nhất với Luật Quy hoạch. Hiện tại, dự thảo Luật bổ sung một loại quy hoạch mới khác với quy định trong Luật Quy hoạch, đó là quy hoạch di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị phải rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định để bảo đảm sự phù hợp giữa hai dự thảo Luật.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để rà soát, thống nhất các nội dung liên quan của 2 dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Làm rõ nguồn lực huy động cho quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa quy định tại Điều 90, dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Thống nhất về mục đích, tiêu chí thành lập quỹ, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lưu ý, nếu tiếp tục thành lập quỹ ngoài ngân sách thì phải tính đến có huy động được nguồn lực không, tránh rơi vào tình trạng như Quỹ phát triển du lịch. Về quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cũng đã có nhiều ý kiến và thực tế khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, cũng như tổng kết các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong các dự án luật đã thông qua, xem việc huy động nguồn lực có hiệu quả hay không, từ đó xem xét thành lập những quỹ khác…

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng cần thiết có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để từ đó có thể tiếp cận được nhiều nguồn hỗ trợ, tài trợ không chỉ trong nước mà cả từ nước ngoài. Với cơ chế hoạt động của quỹ sẽ có cách tiếp nhận thuận lợi hơn, sử dụng đúng mục đích và dễ thuyết phục hơn để có thêm nguồn lực thực hiện bảo tồn di sản văn hóa. Đại biểu cũng đề nghị quy định không tính thuế với các nguồn kinh phí hỗ trợ từ tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho công tác trùng tu di sản, mua bảo vật quốc gia ở nước ngoài về, hoặc triển khai bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hoặc đóng góp cho quỹ bảo tồn di sản văn hóa…

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/ra-soat-ky-bao-dam-tinh-thong-nhat-kha-thi-i370285/