Quyết tâm thực hiện chương trình hành động về dinh dưỡng

Theo số liệu thống kê của ngành GD&ĐT, kết thúc năm học 2018 - 2019, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tuổi nhà trẻ chiếm 3,3%, tuổi mẫu giáo chiếm 3,5%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi tuổi nhà trẻ là 4,3%, tuổi mẫu giáo là 3,9%. Kết quả đó cho thấy, ngành GD&ĐT đã có những giải pháp quyết liệt, tích cực để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và thể trạng cho trẻ.

Trường mầm non xã Mãn Đức (Tân Lạc) duy trì mô hình "Vườn rau của bé" để cung cấp rau xanh đảm bảo an toàn bữa ăn của trẻ.

Trường mầm non xã Mãn Đức (Tân Lạc) duy trì mô hình "Vườn rau của bé" để cung cấp rau xanh đảm bảo an toàn bữa ăn của trẻ.

Chuẩn bị cho năm học mới, một trong những phần việc quan trọng trường mầm non xã Mãn Đức (Tân Lạc) quan tâm thực hiện là chăm sóc, sửa sang khu vực "Vườn rau của bé” rộng hàng nghìn m2. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Đào Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 11 nhóm lớp với trên 310 học sinh, 100% trẻ ăn trưa tại trường. Do đó, chất lượng bữa ăn được nhà trường đặc biệt quan tâm để sao cho vừa đảm bảo VSATTP, vừa cân đối các thành phần theo quy định. Tuy là trường mầm non của một xã nhưng số liệu thống kê nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi của nhà trường dao động quanh mức từ 4 - 7%, các tỷ lệ này về cuối năm giảm trung bình trên 2% so với đầu năm. Việc cân, đo trẻ được thực hiện kỹ lưỡng theo từng tháng, sức khỏe của trẻ được theo dõi sát sao để có sự quan tâm chăm sóc phù hợp.

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng được bậc học mầm non quan tâm thực hiện thời gian qua. Năm học 2018-2019, bậc học mầm non huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 74,03%, (tăng 0,9 % so với năm học trước). Trong đó, trẻ tuổi nhà trẻ đạt 41,6% (tăng 2,1% so với năm học trước), trẻ tuổi mẫu giáo đạt 97,2% (tăng 0,4% so với năm học trước), trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Đồng chí Nguyễn Minh Thắng, Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: Kết quả chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tiếp tục được nâng cao, 97,4% trẻ được ăn tại trường (duy trì tỷ lệ bằng năm học trước). Đảm bảo 100% trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo đến trường được cân, đo, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng, được khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm so với cùng kỳ năm học trước. 100% cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm VSATTP, an toàn thể chất và tinh thần, không có ngộ độc, tai nạn thương tích xảy ra trong các cơ sở giáo dục mầm non. Năm học 2018 - 2019 đã có 18 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được công nhận mới, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia là 99/222 trường, chiếm 44,6%, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chiếm 6,3%. Vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em được tiếp tục quan tâm, nhiều nhà trường đã xây dựng, duy trì được vườn rau xanh cung cấp cho bữa ăn của trẻ.

Hiện nay, bên cạnh việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, ngành GD&ĐT quan tâm đến việc giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, không để xảy ra tình trạng khô mắt do thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đồng thời, cải thiện số lượng, chất lượng bữa ăn cho trẻ, từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng. Theo đó, các nhà trường tập trung tuyên truyền chăm sóc dinh dưỡng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả sổ theo dõi sức khỏe trẻ em.

Ngoài ra, các trường học phối hợp với cha mẹ học sinh, Trung tâm Y tế trên địa bàn bổ sung viên nang vitamin A cho trẻ dưới 6 tuổi không được bú sữa mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp; bổ sung kẽm cho trẻ bị tiêu chảy theo phác đồ của Bộ Y tế. Việc theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ được các nhà trường thực hiện theo tháng. Ngành đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng mô hình dinh dưỡng trong trường học, tăng cường tổ chức bữa ăn, sữa học đường cho trẻ mầm non và tiểu học. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và bếp ăn tập thể trường học, quyết tâm hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe thể trạng cho trẻ em.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/132184/quyet-tam-thuc-hien-chuong-trinh-hanh-dong-ve-dinh-duong.htm