Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết

Quy hoạch thủy lợi và việc xây dựng chưa tốt, quy hoạch cây trồng bị phá nát, giải pháp tưới tiết kiệm chưa nhiều, trong khi tư duy canh tác của không ít nông dân chậm thay đổi, là những lý do khiến câu chuyện hạn hán ở Tây Nguyên khó có hồi kết.

Khát khô bên hồ chứa khổng lồ

Đứng trên cánh đồng nứt nẻ, khô khốc nhìn sang đại công trình thủy nông Ia Mơr được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng đang đầy ắp nước, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xót xa. Nếu có kênh dẫn ra cánh đồng thì sản xuất ở vùng biên giới này sẽ có cơ hội thay đổi lớn. Đã 7 năm công trình hoàn thành, bà con vẫn khát khô bên cạnh hồ chứa nước khổng lồ Ia Mơr.

“Cũng mong cấp trên khảo sát thực tế để làm kênh mương dẫn nước vào diện tích bà con canh tác để mà chuyển đổi diện tích kém hiệu quả, đa dạng hóa cây trồng thì mới phát triển kinh tế lâu dài, bền vững được”- ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị.

Hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đầu tư gần 3.000 tỷ đồng nhưng đến giờ vẫn chưa biết vùng tưới ở nơi nào.

Bất cập ở thủy lợi Ia Mơr đã được Đài TNVN đề cập liên tục những năm qua. Quốc hội, Chính phủ nhiều lần phê bình công trình đầu tư “kỳ lạ” này nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.

Thủy lợi Ia Mơr quy hoạch vùng tưới 12.500ha, trong đó, 4.000ha cho tỉnh Đắk Lắk và 8.500ha cho tỉnh Gia Lai, nhưng đến nay mới chỉ tưới được cho 3.200ha. Riêng tại tỉnh Gia Lai do nhiều vướng mắc, công trình mới chỉ tưới cho khoảng 850ha, bằng 1/10 quy hoạch, lãng phí rất lớn cả về nguồn lực đầu tư cũng như nguồn nước đã tích trong hồ.

Trong khi đó, người dân xã Ia Mơr khát khô bên cạnh hồ chứa nước khổng lồ.

Sự lãng phí sẽ còn kéo dài, bởi theo ông Hoàng Bình Yên, Phó Ban phụ trách Dự án thủy lợi Ia Mơr (Ban Quản lý dự án thủy lợi 8- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện vẫn phải mò tìm vùng tưới cho thủy lợi: “Bây giờ không chuyển đổi đất rừng được thì rất khó. Tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 8 nghiên cứu vùng tưới khác thì trên cơ sở đó Ban yêu cầu tư vấn rà soát lại toàn bộ vùng tưới của hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk”.

Đầu tư thủy lợi trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng chậm tiến độ, đội vốn, quá trình triển khai nhiều sai phạm, bất cập, kém hiệu quả không chỉ ở Ia Mơr - Gia Lai mà diễn ra ở nhiều địa phương ở Tây Nguyên.

Hệ thống thủy lợi hiện có ở Tây Nguyên mới đáp ứng được 20% diện tích cây trồng cần tưới.

Dự án Thủy lợi Krông Pách thượng (tỉnh Đắk Lắk) vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng triển khai từ 15 năm trước đến nay vẫn chưa xong.

Hồ thủy lợi Nam Xuân (lớn thứ 2 tỉnh Đắk Nông) vốn đầu tư 375 tỷ đồng đã hoàn thành 3 năm, chưa kịp bàn giao đưa vào sử dụng thì phát hiện thân đập bị nứt, sụt lún.

1.6 triệu héc ta cây trồng bấp bênh vì hạn hán

Trong khi các dự án thủy lợi lớn bị hoài nghi về hiệu quả đầu tư, thì năng lực cấp nước của hệ thống thủy lợi sẵn có ở Tây Nguyên đang rất hạn chế. Toàn vùng có hơn 2 triệu héc ta đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi với khoảng 2.400 công trình chỉ đáp ứng chưa đến 20% diện tích, tức chỉ gần 400 nghìn ha.

Khoảng 1,6 triệu ha còn lại, sản xuất nông nghiệp luôn bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô.

Hồ thủy lợi Nam Xuân (lớn thứ 2 tỉnh Đắk Nông) vốn đầu tư 375 tỷ đồng hoàn thành 3 năm trước, chưa kịp bàn giao đã phát hiện thân đập bị nứt, sụt lún.

Nhưng ngay cả những diện tích có thủy lợi, hạn hán vẫn thường xảy ra do hầu hết các công trình đã xuống cấp. Điển hình là tại Đắk Lắk, tỉnh có nhiều thủy lợi nhất Tây Nguyên với gần 850 công trình nhưng cũng chỉ đáp ứng hơn 20% diện tích canh tác.

“Sau thời gian dài sử dụng thì nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh đang rất khó khăn. Cũng đề nghị Trung ương hết sức quan tâm, đầu tư các nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa các hồ đập” - ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk lý giải.

Khô hạn không hồi kết

Trong khi các công trình thủy lợi nhiều bất cập, thì những “kho nước tự nhiên” là rừng Tây Nguyên đã suy giảm nhanh chóng. 30 năm qua, Tây Nguyên giảm hơn 1 triệu héc ta rừng, chủ yếu chuyển sang canh tác nông nghiệp, phá vỡ mọi quy hoạch về thủy lợi lẫn cơ cấu cây trồng.

Toàn vùng Tây Nguyên có hơn 2 triệu héc ta đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi với khoảng 2.400 công trình chỉ đáp ứng chưa đến 2 0% diện tích, tức chỉ gần 400 nghìn ha. Khoảng 1,6 triệu ha còn lại, sản xuất nông nghiệp luôn bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... là những loại cây cần nhiều nước tưới trong mùa khô. Trên thực tế, nhiều vùng xa nguồn nước, nhưng nông dân vẫn bất chấp rủi ro, chạy theo giá cả thị trường mà trồng cây theo kiểu… “đánh bạc”.

“Nếu trồng theo quy hoạch thì tình trạng hạn hán sẽ đỡ hơn. Nhưng mà ở đây thì hầu hết tất cả các diện tích đều phát triển quá mức, trong đó có nhiều cây trồng bắt buộc cần tưới nước rất nhiều trong mùa khô. Cho nên việc thiếu nước tưới trong mùa khô là hiển nhiên”- Tiến sĩ Phan Việt Hà cho biết.

Khoảng 1,6 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên luôn bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô.

Mùa khô năm nào cũng thiếu nước tưới, nhưng không ít nông dân ở Tây Nguyên vẫn giữ tư duy lạc hậu, thiếu đổi mới, thiếu sáng tạo trong việc ứng phó. Tìm hiểu tại hầu khắp các nương rẫy, vườn cây, hầu như các giải pháp tích nước cho mùa hạn, tưới nước tiết kiệm chưa được áp dụng.

Thậm chí trong mùa khô này, do giá cà phê ở đỉnh cao, nhiều hộ còn tăng số đợt và lượng nước tưới lên nhiều lần.

Hậu quả của việc tưới vô tội vạ này góp phần khiến hàng loạt hồ thủy lợi nhanh chóng… trơ đáy.

Ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh Đắk Nông nêu thực tế: “Giá cả nông sản tăng, người dân thương cây, xót cây họ tưới liên tục, tưới ồ ạt, do đó các hồ chứa không thể đáp ứng nhu cầu lớn như thế được”.

Quy hoạch thủy lợi và việc xây dựng chưa tốt, quy hoạch cây trồng bị phá nát, giải pháp tưới tiết kiệm chưa nhiều, trong khi tư duy canh tác của không ít nông dân chậm thay đổi, là những lý do khiến câu chuyện hạn hán ở Tây Nguyên khó có hồi kết.

Hệ thống thủy lợi hiện có ở Tây Nguyên mới đáp ứng được 20% diện tích cây trồng cần tưới.

Khô hạn đang tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp của Tây Nguyên. Nhưng ở góc độ khác, mùa khô lại là một mùa lợi thế cho ngành nông nghiệp của vùng. Hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca… đều phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả vào mùa khô.

Càng nắng hoa trái càng thơm ngon, nếu đảm bảo nguồn nước, mùa khô sẽ đem lại “mùa vàng” cho Tây Nguyên.

Trong bài viết thứ 3 với nhan đề “Mùa khô - mùa vàng cho Tây Nguyên” chúng tôi sẽ đề cập đến các giải pháp nhằm giải bài toán khô hạn ở Tây Nguyên để biến mùa khô thành mùa vàng.

30 năm qua, Tây Nguyên giảm hơn 1 triệu héc ta rừng, chủ yếu chuyển sang canh tác nông nghiệp, phá vỡ mọi quy hoạch về thủy lợi lẫn cơ cấu cây trồng.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quy-hoach-yeu-dau-tu-thieu-tu-duy-loi-thoi-kho-han-khong-hoi-ket-post1092177.vov