Quy định về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Ngày 30/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 96/NĐ-CP quy định mức giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thay cho Nghị định 67 năm 2012 về mức thu thủy lợi phí. Tuy nhiên, do khung giá vẫn áp dụng chính sách cũ nên đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, chi phí cho vận hành các công trình công ích thủy lợi tăng cao nên việc khai thác, vận hành công trình thủy lợi gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh.

Xí nghiệp Thủy nông Lâm Thao, huyện Lâm Thao sử dụng kinh phí từ nguồn cấp bù “thủy lợi phí” để nạo vét kênh mương, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo Quyết định số 3432/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2022 sau khi được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09/12/2022.

Các mức giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được ban hành là cơ sở pháp lý để các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi ký kết hợp đồng phục vụ với các đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đồng thời cũng là căn cứ hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ.

Trong Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh sẽ có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023.

Theo tờ trình, các huyện miền núi, các xã miền núi khi tưới tiêu bằng động lực là 1.811.000 đồng/hecta/vụ, tưới bằng trọng lực là 1.267.000 đồng và tưới bằng trọng lực kết hợp động lực là 1.539.000 đồng.

Đối với các xã vùng trung du khi tưới tiêu bằng động lực là 1.433.000 đồng, tưới bằng trọng lực là 1.033.000 đồng và tưới tiêu bằng trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ là 1.218.000 đồng.

Đối với các xã, phường vùng đồng bằng khi tưới bằng động lực là 1.646.000 đồng, tưới bằng trọng lực là 1.152.000 đồng và tưới tiêu bằng trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ là 1.399.000 đồng.

Các mức giá thông qua bằng với mức giá theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh; là cơ sở pháp lý báo cáo Bộ Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ.

Lý giải về nguyên nhân các mức giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 không tăng so với năm 2022, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết: Luật Thủy lợi ban hành ngày 19/6/2017, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018; tại mục a khoản 2 Điều 35 Luật Thủy lợi quy định: “UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý sau khi được HĐND tỉnh cùng cấp thông qua trên cơ sở giá tối đa sản phẩm dịch công ích thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định”.

Tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ, quy định: “Trường hợp trong điều kiện bình thường, các chi phí đầu vào trong giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi dự kiến năm kế hoạch ổn định, không biến động so với năm liền kề trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh không đề nghị điều chỉnh giá tối đa hoặc khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhưng phải quy định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, không được vượt quá giá tối đa và khung giá do Bộ Tài chính đã thông báo trước đó để các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tài chính”.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh các chi phí đầu vào trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm kế hoạch cơ bản ổn định. Từ các quy định trên, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định để thực hiện năm 2023.

Các mức giá thông qua bằng với mức giá theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh; là cơ sở pháp lý báo cáo Bộ Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 96/2018/ND-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ.

Theo lãnh đạo một số xí nghiệp thủy nông trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Chính sách cấp bù đã được Trung ương quy định ở khung giá trần và tỉnh cũng áp dụng theo khung giá đó. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí đối với công tác thủy lợi như tiền nhân công, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nhất là chi phí về tiền điện, giá dầu đều gia tăng, trong khi đó tiền cấp bù không thay đổi trong suốt thời gian từ 2013 đến nay.

Mức giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên để thay đổi một Nghị định thì không thể một sáng một chiều mà phải có thời gian và lộ trình. Điều này đòi hỏi các đơn vị vận hành, sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi phải tự tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhằm sử dụng nguồn cấp bù “thủy lợi phí” của Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/quy-dinh-ve-gia-san-pham-dich-vu-cong-ich-thuy-loi/203311.htm