Quy định dán nhãn, phân phối sách tại các quốc gia

Phân loại sách theo độ tuổi không phổ biến trên diện rộng như phim ảnh, nhưng một số quốc gia vẫn có quy định pháp lý riêng cho việc phát hành và phân phối.

Khác với nhiều ấn phẩm như phim ảnh, trò chơi điện tử thường được yêu cầu về dán nhãn theo độ tuổi, nhiều quốc gia trên thế giới không có quy định tương tự dành cho sách.

Ngoại trừ các dòng sách thiếu nhi (children's book) và các sách hướng đến độ tuổi thanh thiếu niên (young adult) thường được ghi kèm với các khuyến nghị về độ tuổi, các đầu sách từ chuyên ngành đến thường thức, từ khoa học tự nhiên đến lịch sử, xã hội, cũng như các đầu sách văn chương thường ít kèm theo dán nhãn độ tuổi.

Tuy vậy, một số quốc gia vẫn có quy định riêng hướng đến bảo vệ người chưa trưởng thành trước các ấn phẩm chứa nội dung bị đánh giá là không phù hợp với lứa tuổi, từ dán nhãn sách như Australia đến thắt chặt hệ thống phân phối, phát hành, giới thiệu sách như Nhật Bản.

Dán nhãn sách tại Australia

Như hầu hết quốc giả khác, luật pháp Australia quy định phim ảnh và trò chơi điện tử phải được phân loại dán nhãn theo độ tuổi trước khi phát hành. Theo trang web chính thức về phân loại classification.gove.au, các ấn phẩm này được xếp vào loại khuyến nghị (gồm các mức độ như G, PG, M) và giới hạn (gồm các mức độ như MA+, R 18+, X 18+).

Trái lại, đa số xuất bản phẩm như sách báo, tạp chí sẽ không cần dán nhãn phân loại và bất kỳ ai cũng có thể mua và đọc hợp pháp. Chỉ những ấn phẩm có khả năng bị từ chối phân loại, hoặc giới hạn riêng cho độ tuổi trưởng thành (thường là ấn phẩm chứa yếu tố khỏa thân hoặc miêu tả lộ liễu tình dục) thì mới cần được thẩm định, phân loại.

Dựa trên kết quả phân loại, những cuốn sách này sẽ được dán nhãn tương ứng:

Một số xuất bản phẩm được phân loại Unretricted (Không giới hạn) có thể chưa nội dung không phù hợp với trẻ dưới 15 tuổi. Nếu Hội đồng Thẩm định quyết định ấn phẩm nên kèm theo khuyến cáo cho người tiêu dùng, ấn phẩm sẽ được dán nhãn "Không giới hạn" (trái) hoặc "Không giới hạn - không khuyến khích độc giả dưới 15 tuổi" (phải).

Ấn phẩm xếp vào phân loại Restricted (Giới hạn) là các ấn phẩm chỉ dành cho người trưởng thành và không được phép bán cho người không đủ tuổi. Loại 1 (trái) dành cho ấn phẩm chứa hình ảnh khỏa thân mang yếu tố tình dục, cần phải đóng gói trong màng co sách và bìa phải phù hợp trưng bày ở nơi công cộng. Loại 2 (phải) dành cho ấn phẩm chứa hình ảnh hoạt động tình dục thực sự giữa hai người trưởng thành đồng thuận, chỉ được trưng bày ở khu dành riêng cho người trưởng thành.

Ngoài ra, còn có các ấn phẩm bị từ chối phân loại (Refused Classification - RC) không được phép mua bán, thuê, quảng cáo, nhập khẩu vào Australia.

Từ đây có thể thấy trong tùy trường hợp mà nhãn dán đóng vai trò quy định người tiêu dùng được mua hay không được mua xuất bản phẩm (Giới hạn) hoặc chỉ có vai trò khuyến nghị về độ tuổi (Không giới hạn).

Quy định chặt chẽ về phân phối sách tại Nhật

Là một người từng sinh sống tại Nhật Bản nhiều năm và nghiên cứu về nền xuất bản nước này, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho biết rằng Nhật Bản có thị trường xuất bản hoạt động trên nguyên tắc tự chủ. Theo đó các đơn vị phát hành khi muốn xuất bản thì không thông qua giấy phép từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc sản phẩm bán ra cho ai, dùng ở đâu thì lại có những quy định cụ thể ràng buộc.

Về giới hạn độ tuổi dành cho xuất bản phẩm, Nhật có "Luật về các ấn phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên". Ấn phẩm cần được đơn vị xuất bản và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét là có tiêu chí độc hại với người dưới 18 tuổi hay không, thường xoáy vào các nội dung khai thác yếu tố tính dục, bạo lực, tự sát và tội phạm.

Thay vì dán nhãn sách, Nhật Bản có các quy chế về phổ biến, lưu hành xuất bản phẩm. Ảnh minh họa: Mainichi.

Ấn phẩm được xác định là ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên (18+, for adult - chỉ dành cho người trưởng thành) thì không bị yêu cầu phải dán nhãn, song sẽ chịu quy định chặt chẽ về phân phối: Người dưới 18 tuổi không được phép mua, do đó người bán hàng có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ khi nghi ngờ độ tuổi; Không được bày bán ở không gian công cộng, mà chỉ bán trong không gian kín, có camera giám sát.

Để xác định sách xếp vào diện 18+, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm thành lập hội đồng gồm những người có chuyên môn và đại diện từ địa phương. Hội đồng này sẽ bỏ phiếu quyết định danh sách những ấn phẩm 18+ và danh sách này sẽ cập nhật, công bố thường xuyên. Việc phân loại sách do đó phụ thuộc rất lớn vào sự công tâm của những người thuộc hội đồng.

Ấn phẩm được đưa vào các danh sách này sẽ không được bán, truyền bá đến người dưới 18 tuổi, cũng như không được đưa vào thư viện công. Đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hành chính như phạt tiền (chứ không hình sự hóa). Có những trường hợp nảy ra tranh cãi thì tác giả hay nhà xuất bản có thể kiện hội đồng ra tòa dân sự.

Liên quan đến việc nhiều người lên tiếng yêu cầu phân loại, dán nhãn sách theo độ tuổi cho sách, ông Vương nhận định điều này rất khó thực hiện với các tác phẩm văn chương, vì vốn dĩ văn chương không gò bó trong những khuôn khổ cố định. Ngoài ra, xác định độ tuổi phù hợp đọc tác phẩm có nội dung nhạy cảm còn do nhiều yếu tố môi trường xã hội, pháp lý, tâm lý tiếp nhận của người đọc, khác biệt văn hóa.

Một ví dụ điển hình là các tác phẩm của Haruki Murakami - một trong những tác giả văn học đương đại Nhật được đọc nhiều nhất tại nước này và trên thế giới - thường gồm các phân đoạn miêu tả trực diện tính dục - tình dục nhưng tại Nhật không bị xếp vào sách giới hạn độ tuổi trên 18, mà được bán và quảng bá rộng rãi, không chịu kiểm soát ngặt nghèo. Tuy nhiên trường hợp này có thể được xem xét và kết luận rất khác ở những quốc gia khác, nền văn hóa khác.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-dinh-dan-nhan-phan-phoi-sach-tai-cac-quoc-gia-post1474805.html