Quay quắt tìm nước ngọt cho đảo Lý Sơn

Nguồn nước ngầm cạn kiệt, nhiều nơi bị xâm nhập mặn khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất đang diễn ra gay gắt ở Lý Sơn

Trong những năm qua, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển kinh tế vượt bậc và dần trở thành điểm đến tham quan du lịch lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển Lý Sơn là tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, nước phục vụ tưới tiêu, các ngành nghề chế biến, sản xuất trên đảo.

Khan hiếm nước ngọt

Ra Lý Sơn trong những ngày đầu mùa khô hạn, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người chạy đôn đáo khắp nơi để tìm nguồn nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất.

Cầm trên tay chiếc điện thoại, anh Nguyễn Văn Quang, ngụ thôn Tây An Vĩnh, liên tục gọi điện, dặn dò một người hành nghề chở nước phải nhanh chóng đưa nước sinh hoạt tới cho gia đình. "Mấy hôm nay nhà cháu phải dùng nước đóng chai sinh hoạt tạm chứ trong nhà không còn giọt nào. Việc tắm, rửa, giặt... phải dùng nước mặn" - anh Quang nói vọng trong điện thoại.

Đầu mùa khô nhưng nhiều giếng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân Lý Sơn cạn trơ đáy

Theo lời anh Quang, vì nắng hạn kéo dài liên tiếp nhiều tháng qua khiến các giếng nước sinh hoạt được đào thủ công của người dân cạn trơ đáy. Còn các giếng khoan bơm mãi không có nước, nếu có cũng toàn nước bị nhiễm mặn, không dùng cho sinh hoạt được.

"Có gia đình từ lúc sáng sớm đã xách can chạy vài cây số đi lấy nước. Có gia đình bận công việc phải mua nước từ người chở nước đi bán dạo. Nhưng vì nhiều người kêu chở nước nên họ không phục vụ kịp" - anh Quang nói.

Theo nhiều người dân trên đảo Lý Sơn, dù mới đầu mùa khô nhưng năm nay tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra trầm trọng khắp nơi, đặc biệt nước phục vụ sản xuất.

"Nước sinh hoạt đã khó, nước phục vụ tưới tiêu càng khó hơn. Riêng gia đình tôi có 3 sào đất trồng hành, tỏi nhưng tôi chỉ trồng được một vụ. Vụ này chuyển sang trồng bắp để tiết kiệm nước nhưng cũng không đủ để duy trì cho cây phát triển. Cây còi cọc chết khô ngoài đồng... Một số người dân không có giếng phải lấy nhờ nước từ giếng các hộ lân cận, trung bình họ phải trả hơn 100.000 đồng/giờ để chạy nước tưới cho đồng ruộng" - bà Phạm Thị Nhường, ngụ thôn Đông An Hải, cho biết.

Giải pháp nào chống hạn cho Lý Sơn?

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện đảo là tìm nguồn nước ngọt ở đâu để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ sản xuất. "Điện cho Lý Sơn đã có mấy năm qua, vấn đề còn lại là nước. Không có nước không thể phát triển sản xuất, chế biến, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vào mùa nắng nóng, nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn chỉ đủ phục vụ khoảng 50% nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khan hiếm nguồn nước ngầm và việc người dân khoan giếng khai thác quá mức, nguồn nước bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu hụt nguồn nước trên đảo, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân" - bà Hương nói.

Để giải bài toán nước ngọt cho hòn đảo này, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều dự án cung cấp nước ngọt cho Lý Sơn như công trình hệ thống cấp nước tại trung tâm huyện, được đầu tư xây dựng năm 2016, có thiết kế công suất 1.000 m3/ngày đêm; công trình nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé (An Bình), được đầu tư xây dựng năm 2012... nhưng thực tế các công trình, dự án chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

"Thời gian sắp tới, huyện không chỉ phát triển mạnh về hạ tầng mà áp lực về gia tăng dân số và khách du lịch tăng cao khiến nhu cầu nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt lại càng trở nên cấp thiết hơn. Vì vậy, người dân Lý Sơn mong muốn UBND tỉnh cần sớm có giải pháp để Lý Sơn có nguồn nước bền vững" - Chủ tịch Phạm Thị Hương nói.

Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 10 km2 diện tích lưu vực, ước tổng lượng nước mưa trên đảo khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phục vụ phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (khoảng 200 ha) cần hơn 1 triệu m3.

"Giải pháp khả thi nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kênh xung quanh đảo, để thu gom nước mặt vào các bể trữ tập trung. Sau khi việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và bể chứa hoàn thành, số nước ngọt này dự kiến sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch" - ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.

Cũng theo ông Hùng, trước mắt, khi chưa triển khai dự án, người dân địa phương cần tăng cường trồng cây xanh tạo môi trường sinh thái, giữ nước ngầm cho huyện đảo Lý Sơn; vận động người dân đầu tư bể trữ hộ gia đình tự cung ứng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo.

Hơn 22.000 dân trên đảo thiếu nước ngọt

Theo UBND huyện Lý Sơn, tình trạng thiếu nước ngọt, nước bị nhiễm mặn đã lan rộng toàn đảo Lý Sơn khiến hơn 300 ha đất nông nghiệp và hơn 22.000 dân trên đảo phải chịu cảnh "khát" nước ngọt. Bên cạnh đó, việc hằng năm Lý Sơn đón hàng trăm ngàn lượt du khách cũng là nguyên nhân gây suy giảm mạch nước ngầm.

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quay-quat-tim-nuoc-ngot-cho-dao-ly-son-196240507210003781.htm