Quan tâm hơn đến tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái

Phụ nữ và trẻ em gái hiện chiếm 49,7% dân số toàn cầu. Trong thời đại hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, tham gia nhiều hoạt động quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.

Một phụ nữ sinh mổ tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai có chồng bên cạnh động viên. Ảnh: H.Dung

Tuy vậy, vẫn còn không ít phụ nữ không được quyền tự quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển của bản thân. Điều này cần được cải thiện nhằm phát huy những tiềm năng vô hạn của phụ nữ và trẻ em gái.

* Còn nhiều điều đáng lưu tâm

BS CKII Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, thực tế công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện thời gian qua cho thấy, bên cạnh những phụ nữ đi khám thai, sinh đẻ có đầy đủ thông tin, được gia đình quan tâm chăm sóc vẫn còn nhiều phụ nữ đến bệnh viện để sinh đẻ trong tình trạng 4 không: không địa chỉ, không chồng, không tiền, không bảo hiểm y tế. Họ là những người dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Trung đến Đồng Nai làm ăn, ở trọ nay đây mai đó.

Không những thế, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ vị thành niên sinh con. Nhiều trường hợp không có đủ thông tin để cấp giấy chứng sinh, không làm được giấy khai sinh nên con cái của họ có khi 9-10 tuổi vẫn chưa được đi học. Có những trường hợp 5-10 năm sau sinh đến bệnh viện để điều chỉnh thông tin gây khó khăn cho bệnh viện.

Ngày Dân số thế giới năm nay có chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

“Điều khiến chúng tôi trăn trở là công tác quản lý trẻ em gái và phụ nữ ở các địa phương nơi họ sinh sống. Nhiều công nhân lao động điều kiện kinh tế khó khăn, chỗ ở không ổn định nhưng sinh đến 4-5 con. Chất lượng dân số trẻ của Việt Nam sẽ như thế nào nếu không khống chế được số lượng con của phụ nữ?” - BS Loan trăn trở.

Cách đây khoảng 2 tháng, chị N. (39 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, H.Long Thành) sinh con thứ 3 tại một bệnh viện trong tỉnh. Chị N. cho biết, mặc dù vợ chồng chị đã có 2 con gái năm nay 18 và 20 tuổi nhưng do chồng là con trai duy nhất trong gia đình, sức ép từ gia đình chồng khá lớn nên chị phải sinh thêm con.

“Từ ngày biết đứa bé là con gái, chồng tôi đâm ra chán nản, thường xuyên rượu chè, không quan tâm đến vợ con khiến tôi rất buồn. Mang thai khi tuổi đã lớn nên tôi phải thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe cả mẹ và bé. Rất may là ca sinh mổ suôn sẻ” - chị N. tâm sự.

Theo thống kê của Quỹ Dân số LHQ, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ không thể tự quyết về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và các quyền về sức khỏe sinh sản của mình. Cứ 4 phụ nữ thì chỉ có 1 người ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình thực hiện được mong muốn sinh sản của mình.

* Thúc đẩy bình đẳng giới

Các chuyên gia nhận định, để xảy ra tình trạng nêu trên ít nhiều do bất bình đẳng giới trong xã hội. Cũng do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang xảy ra tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”.

Năm 2022, tỷ số giới tính ở nước ta là 112 bé trai/100 bé gái. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034.

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 16,2 ngàn trẻ được sinh ra. Trong đó có hơn 8,4 ngàn trẻ nam và hơn 7,7 ngàn trẻ nữ. Tỷ số giới tính khi sinh là 108 bé trai/100 bé gái.

Nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân tại các địa phương trong tỉnh; phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện mô hình lồng ghép nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới trong các trường phổ thông thông qua các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đồng thời, lồng ghép nội dung này vào hương ước, quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư; triển khai mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái để tôn vinh, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, xã hội.

Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm nhấn mạnh, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản là vấn đề quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình.

Để làm tốt công tác bình đẳng giới cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái, những người yếu thế. Từ đó xây dựng luật pháp, chính sách để giúp họ thực hiện các quyền và đưa ra các quyết định đúng đắn. Chỉ khi đó mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/quan-tam-hon-den-tieng-noi-cua-phu-nu-va-tre-em-gai-3171207/