Quản lý thuế thương mại điện tử bằng công cụ tự động thu thập dữ liệu

Ngành Thuế đang nghiên cứu giải pháp xây dựng công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok... Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, qua đánh giá, công cụ này có thể rà quét với phạm vi rộng, độ bao phủ thông tin có thể đảm bảo trên 90% nguồn dữ liệu.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Facebook, Google, Tiktok… đã nộp trên 9 nghìn tỷ đồng

Trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023), với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, Tổng cục Thuế đã có tham luận với chủ đề “Xây dựng Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT)”.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN) đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa. Đồng thời cũng có ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Thông tin về công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, ngày 21/3/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN (Etaxvn. gdt.gov.vn).

Đến nay, đã có 62 NCCNN thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế qua Cổng, trong đó có một số NCCNN lớn như: Meta, Google, Tiktok, Microsoft, Apple, Netflix… Tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 9.281 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đã nộp 3.478 tỷ đồng (1.850 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay); từ đầu năm 2023 đến nay đã nộp 5.803 tỷ đồng (5.020 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 738 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay).

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu TMĐT là yếu tố cần thiết để nâng cao công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hình thức kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân.

Song song với đó, ngành Thuế cũng đã chính thức vận hành Cổng Thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022, để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT. Đến nay hệ thống đã tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT của kỳ quý IV/2022, kỳ quý I/2023 và quý II/2023. Sau 3 kỳ cung cấp thông tin, tính đến ngày 10/8/2023 đã ghi nhận 349 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki.

Các thông tin sàn phải cung cấp theo quy định bao gồm: thông tin chung (tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp trên sàn.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ ban hành Quy trình tiếp nhận, khai thác và xử lý thông tin trên Cổng Thông tin TMĐT, nhằm hướng dẫn cơ quan thuế địa phương triển khai thống nhất, đồng bộ việc khai thác dữ liệu trên Cổng Thông tin TMĐT và hướng dẫn, đôn đốc người nộp thuế (NNT) kê khai, nộp thuế theo quy định.

Bảo mật thông tin về người nộp thuế Bà Tạ Thị Phương Lan chia sẻ, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo quản lý đầy đủ các NCCNN, các DN là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT nhằm hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các NCCNN trong việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; hỗ trợ các sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin đến cơ quan thuế, đảm bảo bảo mật thông tin và hỗ trợ sàn khai thay nộp thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn theo quy định của pháp luật dân sự; hỗ trợ người dân, DN kê khai nộp thuế theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang nghiên cứu giải pháp xây dựng công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok...

Qua đánh giá, công cụ này có thể rà quét với phạm vi rộng, độ bao phủ thông tin có thể đảm bảo trên 90% nguồn dữ liệu, gồm: hơn 3 nghìn trang tin trực tuyến, trên 2 nghìn trang diễn đàn; hơn 55 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam; hơn 3 triệu trang fanpage và nhóm Facebook; hơn 300 nghìn kênh Youtube người Việt.

“Với khối lượng dữ liệu lớn, khai thác từ nhiều nguồn, công cụ này sẽ áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (AI/Machine learning) để xử lý, làm sạch, cấu trúc hóa và kết nối với nhau, đồng thời lưu trữ trên Data Warehouse và kết xuất các mẫu báo cáo thống kê, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Với cơ sở dữ liệu này, cơ quan thuế sẽ sử dụng để rà soát, đối chiếu với dữ liệu kê khai, nộp thuế của NNT để hướng dẫn NNT đăng ký thuế, khai, nộp thuế theo quy định” - bà Tạ Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Ông Lưu Hoàng Phú - Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT:

Đặt dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ở mức độ ưu tiên cao nhất

Ông Lưu Hoàng Phú

Ông Lưu Hoàng Phú

Từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Một số doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

Điều này đã đặt ra những thách thức cho các ngành chức năng trong công tác quản trị dữ liệu. Để tránh bị rò rỉ dữ liệu, FPT đề xuất ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đặt dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ở mức độ ưu tiên cao nhất; đồng thời triển khai giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lợi từ dữ liệu. Việc đặt dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo ở mức độ ưu tiên cao nhất sẽ hỗ trợ lãnh đạo và từng cán bộ, nâng cao hiệu suất công tác; nâng cao chất lượng công việc.

Bà Ứng Kim Phượng - Giám đốc Phân tích dữ liệu, Viettel Solutions:

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định gian lận dựa trên các tờ khai thuế

Bà Ứng Kim Phượng

Bà Ứng Kim Phượng

Sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới như: Block-chain, Cloud services, API, Machine Learning, computer vision... đã cho ra đời “hàng loạt” loại hình kinh doanh mới.

Sự xuất hiện và phát triển của các hoạt động kinh doanh, sản phẩm mới, như: Fintech, tiền điện tử, thương mại điện tử, cũng đã xuất hiện các hành vi trốn thuế ngày càng “tinh vi”. Đối tượng trốn thuế đã áp dụng các kỹ thuật thuế: che giấu thu nhập; chuyển giá, kiều hối,...

Công nghệ thay đổi với tốc độ “chóng mặt” đã tạo ra những thách thức cho công tác quản lý thuế. Theo đó, việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý thuế sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tăng cường quản lý thuế. Sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các gian lận dựa trên các tờ khai thuế và thuế thu nhập. Tăng cường nhận thức của người nộp thuế về khả năng của cơ quan thuế trong việc thu thập thông tin liên quan.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-bang-cong-cu-tu-dong-thu-thap-du-lieu-136411-136411.html