Quan Hóa hóa giải 'bài toán' giảm nghèo từ phát triển kinh tế hợp tác

Những năm gần đây, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh hoạt động chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thông qua mô hình HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Huyện Quan Hóa phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2024 - 2025 từ 4-5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm từ 3% trở lên.

Thu nhập 65 triệu đồng/năm nhờ nuôi cá lồng

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn, xây dựng các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững là giải pháp đã và đang được huyện Quan Hóa thực hiện. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Với lợi thế có sông Mã chảy qua, đặc biệt từ khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động, hàng chục hộ dân ở xã Trung Sơn sống ven lòng hồ thủy điện đã phát triển nghề nuôi cá lồng bè truyền thống.

Sau khi Huyện ủy Quan Hóa ban hành Nghị quyết về “Phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Quan Hóa, giai đoạn 2022-2023”, xã Trung Sơn đã thành lập HTX nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn, với 15 hộ tham gia nhằm tập hợp các thành viên hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung tại khu vực cầu Ta Bán.

Đến nay, các thành viên HTX đã phát triển nghề nuôi cá lồng, với hàng chục lồng nuôi các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa, dốc, ké...

Để các thành viên có vốn đầu tư nuôi cá lồng, HTX đứng ra bảo lãnh vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Cùng với đó, các hộ dân được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như: Ứng phó với biến đổi khí hậu; kỹ thuật đóng lồng nuôi bằng lưới quây thay cho cách đóng lồng bằng tre, luồng truyền thống; cách chăm sóc, thu hoạch cá...

Hiện, HTX đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với sản lượng 15 tấn/năm. Theo tính toán, bình quân mỗi hộ nuôi cá lồng có thu nhập 65 triệu đồng/năm.

Xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài

Huyện Quan Hóa có trên 86.000 ha đất có rừng, trong đó có trên 27.000 ha luồng với 5.800 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Hiện, trên địa bàn huyện có 6 HTX chế biến lâm sản, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, Quan Hóa đã có nhiều giải pháp, như hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân trong vùng xóa đói giảm nghèo.

Tiêu biểu là HTX chế biến lâm sản Hợp Phát phát triển trồng rừng để làm giàu cho các thành viên. Theo đó, năm 2007, HTX được thành lập với mục đích sản xuất đũa và thanh nam xuất khẩu, với tổng đầu tư 1,9 tỷ đồng.

Hiện nay, các sản phẩm vàng mã của HTX chế biến lâm sản Hợp Phát được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước.

Năm 2014, nhận thấy chất lượng luồng suy thoái do khai thác quá mức nên dẫn đến chất lượng đũa xuất khẩu bị ảnh hưởng, ban lãnh đạo HTX quyết định không sản xuất đũa xuất khẩu và đầu tư mua thêm 11.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, mua hệ thống máy móc để sản xuất giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với tổng giá trị 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Chính, Giám đốc HTX chế biến lâm sản Hợp Phát cho biết, sản xuất giấy và vàng mã xuất khẩu sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu dôi dư từ các phụ phẩm ở các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trong và ngoài huyện. Trong xây dựng nhà xưởng sản xuất, HTX đặc biệt chú ý đến hệ thống xử lý môi trường, vì vậy đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường thu hồi nước quay vòng để tái sản xuất theo công nghệ tiên tiến của thế giới, với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng.

Khi xây dựng xong nhà xưởng và đào tạo công nhân, HTX đã đến các địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào để ký hợp đồng thu mua và tìm các đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, mỗi năm HTX chế biến lâm sản Hợp Phát tiêu thụ khoảng 15.000 tấn luồng, sản xuất được 5.500 tấn giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước, với giá trị xuất khẩu gần 6 triệu USD, tạo việc làm cho trên 178 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 7,5 - 25 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định, các HTX hoạt động có hiệu quả đã giúp công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa đạt được những chuyển biến tích cực, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm và có xu hướng giảm bền vững. Năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa còn 3.738 hộ, bằng 33,5% tổng số hộ; đến năm 2022 giảm còn 3.154 hộ, tỷ lệ 28,16%. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống nhân dân dần được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 27,63 triệu đồng. Đây có thể được xem là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Quan Hóa.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, các HTX đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

“Nhiều mô hình HTX trong thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt, HTX đã hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo, hỗ trợ cho các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh đào tạo nghề. Các HTX cũng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Vũ Thị Hương nói.

Để thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển, trong đó có mô hình HTX nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung thực hiện một số chính sách hỗ trợ như nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 806 HTX nông nghiệp, trong đó có 756 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 50 HTX tạm ngừng hoạt động; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 59 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 75 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung, HTX khu vực miền núi nói riêng phát triển ổn định, số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng hoạt động được nâng lên; phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3241/QĐ-UBND, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn; thành lập mới và duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững...

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/quan-hoa-hoa-giai-apos-bai-toan-apos-giam-ngheo-tu-phat-trien-kinh-te-hop-tac-1095586.html