Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel khó 'nồng ấm' trở lại

Sự kiện máy bay El Al của Israel được Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép hạ cánh trên lãnh thổ nước này vào tuần qua từng được truyền thông thế giới ca ngợi là tín hiệu tích cực cho việc bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel. Nhưng ngay sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có tuyên bố với thái độ cứng rắn cho thấy, những tín hiệu tích cực đó vẫn quá mong manh.

Máy bay thuộc hãng El Al chở thiết bị y tế nhân đạo của Israel đáp xuống sân bay Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-5. Ảnh: El Al

Máy bay thuộc hãng El Al chở thiết bị y tế nhân đạo của Israel đáp xuống sân bay Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-5. Ảnh: El Al

Từ năm 2010, vụ 9 nhà hoạt động ủng hộ Palestine bị quân đội Israel sát hại đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng, trong đó có việc Thổ Nhĩ Kỳ dừng các chuyến bay từ Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 24-5 là lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép cho máy bay của Israel hạ cánh tại nước này và nhận 24 tấn hàng viện trợ để chuyển cho Mỹ ứng phó với dịch Covid-19.

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa 2 nước đang dần phát triển tốt hơn và sự kiện này cũng là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ. Mặc dù vậy, ngay khi thế giới nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang cải thiện được mối quan hệ thì Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra tuyên bố chỉ trích Kế hoạch của Israel về việc sáp nhập gần một nửa khu Bờ Tây; trong đó khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép bất kỳ nước nào được xâm phạm vùng đất của người Palestine. Ông Erdogan cũng nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đứng ra bảo vệ người Palestine.

Tuyên bố của Tổng thống Erdogan dường như là một lời cảnh cáo đối với Israel, khi nước này đang quyết tâm sáp nhập vùng đất tranh chấp với Palestine. Thậm chí, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, tuyên bố này có thể coi là một lời thách thức đối với Israel. Chính phủ mới của Israel thành lập vào cuối tháng 4 vừa qua đã đặt kế hoạch sáp nhập này là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và sẽ triển khai ngay từ tháng 7 tới. Ý chí của Israel trong kế hoạch này là rất cao, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, không có sức mạnh nào có thể ngăn cản kế hoạch của Israel với sự yểm trợ của Mỹ.

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel từng có bề dày tốt đẹp từ năm 1949 đến 2010, trong đó, Israel phụ thuộc khá nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chính thức “đường ai nấy đi” từ năm 2010 đến nay, Israel dần tự chủ hơn với những lợi ích đa dạng mà Thổ Nhĩ Kỳ không tìm thấy lợi ích giao thoa. Từ năm 2010, hàng loạt các động thái tiêu cực giữa 2 nước đã xảy ra, nổi cộm như Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức đón tiếp các lãnh đạo của phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng bị Israel coi là “kẻ thù của hòa bình” bởi phương châm tiêu diệt Nhà nước Israel; tham gia vào các hoạt động trong trào lưu chống Israel, bài trừ Do Thái... Về phía Israel, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa có động thái thiện chí nào với Thổ Nhĩ Kỳ, mặt khác còn quyết định từ bỏ giải pháp 2 nhà nước trong xử lý vấn đề người Palestine, vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Ở một góc độ tích cực trong tương lai, chỉ cần 1 trong 2 nhà lãnh đạo này rời khỏi chức vụ điều hành đất nước, rất có thể những người kế nhiệm sẽ giải quyết được vấn đề niềm tin và có thể ấm nóng trở lại mối quan hệ bang giao. Chính phủ mới của Israel hiện nay có cơ chế Thủ tướng luân phiên và ông Netanyahu sẽ chỉ còn chưa đến 18 tháng tại nhiệm trước khi nhường “ghế” cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz - “kỳ phùng địch thủ” của ông Netanyahu trên chính trường. Tuy nhiên, 18 tháng tới chưa thể khẳng định mối quan hệ giữa 2 quốc gia này có “an toàn” trước hàng loạt diễn biến căng thẳng gần đây tại khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-he-tho-nhi-ky-israel-kho-nong-am-tro-lai-post429483.html