Qatar có thả lỏng cho bữa tiệc lớn nhất hành tinh?

Giữa lúc World Cup 2022 đã cận kề, hai luồng ý kiến đang đối đầu nhau ở Qatar: Cởi mở chào đón lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, hay cần giữ nguyên các chuẩn mực Hồi giáo bảo thủ.

Vào tháng trước, trên tài khoản Instagram của các người mẫu và siêu sao thời trang, Qatar được khắc họa giống như một bữa tiệc lấp lánh. Họ tham dự khai mạc triển lãm và trình diễn thời trang ở trung tâm thành phố Doha.

Những người nổi tiếng, gồm cả nhà vận động quyền người đồng tính, chụp ảnh tự sướng trên sàn nhảy sôi động.

“As-salaam ’alykum Doha!”, người mẫu Hà Lan Marpessa Hennink viết trên Instagram, sử dụng cách chào truyền thống của người Hồi giáo, theo AP.

Điều này đã châm ngòi cho phản ứng dữ dội từ người dân Qatar. Trên mạng, nhiều người gọi đây là “sự ăn chơi nguy hiểm và đồi trụy”, đe dọa các giá trị truyền thống của Qatar trước thềm FIFA World Cup 2022. Hashtag tiếng Arab “Ngừng hủy hoại các giá trị của chúng tôi” trở thành xu hướng suốt nhiều ngày qua.

Đây chỉ là một trong những ví dụ về "xung đột" trái chiều suốt thời gian qua ở Qatar - đất nước Hồi giáo bảo thủ, nơi chuẩn bị chào đón khán giả yêu bóng đá đổ về tham dự mùa World Cup đầu tiên ở Trung Đông.

“Tôn giáo và phong tục của chúng tôi cấm ăn mặc và hành vi không đứng đắn”, Moheba Al Kheer - công dân Qatar - nói về các nghệ sĩ và người mẫu tại Qatar hồi cuối tháng 10. “Việc chúng tôi lo lắng khi nhìn thấy những kiểu người này là chuyện bình thường”.

Áp lực trung thành với di sản Hồi giáo

Ban tổ chức World Cup cho biết mọi người đều được chào đón trong suốt giải đấu. Hiện tại, cứ 10 người nước ngoài thì mới có 1 người Qatar. Một số người Qatar tự do và cởi mở hòa nhập với người nước ngoài, có người vui mừng trước thềm World Cup.

Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền lo lắng trước cách cảnh sát Qatar sẽ đối xử với việc người hâm mộ nước ngoài vi phạm những chuẩn mực trong luật Hồi giáo ra sao, như hình sự hóa say xỉn nơi công cộng, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Qatar là quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh Ba Tư và từng là cảng khai thác ngọc trai. Nước này chuyển mình với tốc độ gần như chóng mặt, trở thành trung tâm hiện đại sau sự bùng nổ của khí đốt tự nhiên vào những năm 1990. Cư dân nước ngoài, bao gồm cả chuyên gia tư vấn và kỹ sư phương Tây, công nhân xây dựng và người Nam Á - đã đổ xô tới nước này làm ăn.

Thủ tướng Qatar nhận quà từ Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong Đại hội FIFA tại Doha hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép, khách sạn sang trọng và trung tâm thương mại đồ sộ nhanh chóng mọc lên giữa sa mạc. Trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, gia tộc trị vì Qatar tham gia nhiều lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ toàn cầu đến câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint-Germain và bất động sản ở London.

Dẫu vậy, ngay cả khi là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo đầu người và hướng về phương Tây tìm nguồn cảm hứng, Qatar vẫn phải đối mặt áp lực trung thành với di sản Hồi giáo và nguồn gốc Bedouin. Gia tộc hùng mạnh nhất Qatar bắt nguồn từ vùng nội địa không giáp biển của Bán đảo Arab, nơi nhánh Hồi giáo Sunni cực kỳ bảo thủ gọi là Wahhabism ra đời.

“Diễn ngôn tôn giáo của Doha với công dân rất khác diễn ngôn tự do của họ với phương Tây”, công dân Qatar 38 tuổi Mohammed al-Kuwari cho biết. “Không phải lúc nào họ cũng thành công ở cả hai khía cạnh này”.

Liệu sẽ không còn "bữa tiệc lớn nhất hành tinh"?

Tâm điểm chú ý tại World Cup đặt câu hỏi về vấn đề này. Nhiều người đòi hỏi Qatar nới lỏng yêu cầu tiếp cận rượu, tạo niềm vui cho người hâm mộ và tuân thủ các quy tắc của FIFA nhằm thúc đẩy lòng khoan dung và tính hòa nhập.

Trong những năm trước, các nước đăng cai World Cup giống như bữa tiệc lớn nhất thế giới, với đám đông vui vẻ uống rượu say và cùng nhau ăn mừng. Khi cảm xúc dâng trào, người hâm mộ trở nên phấn khích, hoặc thô lỗ và bạo lực.

Những hành động này sẽ làm rung chuyển Qatar - nơi vốn cấm kỵ các hành vi như vậy. Cuộc sống về đêm tại Doha gần như không hề được biết tới. Mặc dù đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua, các dịch vụ giải trí của Doha vẫn còn ít và hạn chế.

Trong tuyên bố mới nhất, FIFA ngày 18/11 cho biết cấm bán bia quanh các sân vận động tổ chức World Cup, theo AFP. Trước đó, chính quyền cho phép bán bia ở một số địa điểm chỉ định, CNN đưa tin.

Một số người hâm mộ nước ngoài băn khoăn về cách Qatar sẽ giải quyết đám đông say xỉn trên đường phố, dựa trên luật về phép lịch sự nơi công cộng và giới hạn nghiêm ngặt với việc mua và tiêu thụ rượu.

Người hâm mộ Argentina chụp ảnh trên Corniche Promenade trước thềm FIFA World Cup Qatar 2022. Ảnh: Reuters.

Chửi thề và có cử chỉ xúc phạm, ăn mặc thiếu đứng đắn và hôn nhau nơi công cộng thường có thể bị truy tố ở Qatar.

Thái độ chống người đồng tính cũng đã ăn sâu trong xã hội Qatar, giống như nhiều nơi khác trong thế giới Arab. Một quan chức an ninh cấp cao cảnh báo cờ cầu vồng có thể bị tịch thu nhằm bảo vệ người hâm mộ bị tấn công vì ủng hộ quyền của người đồng tính.

Trên một số diễn đàn, người hâm mộ bày tỏ lo lắng. “Làm sao để chính phủ biết được ai đó là người đồng tính?”, “Mặc quần ngắn có sao không (Tôi có bị bắt không?)”, “Có đúng là những người nói về điều tiêu cực liên quan tới Qatar trên mạng xã hội sẽ bị bắt không?” và nhiều bình luận tương tự.

Ở chiều ngược lại, những người Qatar bảo thủ băn khoăn chuẩn mực xã hội có thể bị “bẻ cong” tới mức nào nhằm phục vụ cho các vị khách tham dự World Cup. Doha có kế hoạch tổ chức các lễ hội âm nhạc điện tử lớn.

Giới chức cho biết họ sẽ “nhắm mắt làm ngơ” trước hành vi như say xỉn nơi công cộng, chỉ can thiệp khi có hành vi phá hoại tài sản và đe dọa đến an toàn công cộng.

“Tôi hy vọng World Cup sẽ không (khiến Qatar) từ bỏ tôn giáo, đạo đức và phong tục xã hội”, một công dân Qatar giấu tên nói.

Người đàn ông 28 tuổi này cảm thấy an tâm khi Ban cố vấn Hội đồng Shura của Qatar vào tháng trước hứa chính quyền sẽ “đảm bảo xây dựng cộng đồng hùng mạnh tuân thủ tôn giáo” và từ chối “mọi hành vi thái quá” vi phạm điều cấm kỵ.

Tuy nhiên, vì World Cup đáp ứng tầm nhìn của chính quyền Qatar, để phát triển đất nước, các chuyên gia cho rằng người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì sắp xảy ra, khi nước này không chấp nhận bất đồng.

“Nếu Qatar muốn có tên trên bản đồ thế giới, họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn và giá trị toàn cầu. Chính phủ sẽ giữ vững lập trường trong một số vấn đề nhất định, và người dân sẽ tuân theo”, Andreas Krieg - phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại King's College London - cho biết.

Công dân Al-Kuwari cho hay: “Đó chính là sự sợ hãi. Nếu một công dân chỉ trích, bản án tù đang đợi họ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qatar-co-tha-long-cho-bua-tiec-lon-nhat-hanh-tinh-post1376793.html