Prada và Hermes đứng vững trong tâm bão suy thoái của ngành hàng xa xỉ

Bất chấp sự suy thoái của toàn ngành hàng xa xỉ, hai thương hiệu Prada và Hermes vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ…

Kết quả kinh doanh của nhiều thương hiệu xa xỉ đã cho thấy manh mối về mức độ lan rộng của cuộc suy thoái trong toàn ngành này.

Thương hiệu LVMH đã “yên tâm” với kết quả kinh doanh của mình trong nhiều năm nhưng năm nay thì không như vậy. Tập đoàn này báo cáo hoạt động kinh doanh thời trang và đồ da trong quý 1/2024 chỉ tăng vỏn vẹn 2%. Điều đáng lo ngại là doanh số bán hàng của LVMH tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này đã khẳng định rằng, ngay cả những thương hiệu lớn nhất cũng không thoát khỏi sự suy thoái của ngành hàng xa xỉ toàn cầu. Toàn ngành này đang lo ngại khi chưa tìm ra giải pháp rõ ràng để tăng trưởng trở lại, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tiếp tục tăng và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc còn tiếp diễn.

Tập đoàn Kering đưa ra thông tin, trong quý đầu tiên của năm 2024, doanh số bán hàng tại Gucci, thương hiệu lớn nhất của họ đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận diện mới của thương hiệu Gucci dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Sabato De Sarno vẫn chưa vững chắc trong tâm lý người tiêu dùng. Điều này đã dẫn tới việc nhiều khách hàng phân vân khi lựa chọn giữa Gucci và các thương hiệu khác, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.

Kết quả kinh doanh không khả quan đã khiến cổ phiếu của hầu hết các thương hiệu xa xỉ sụt giảm. Tuần này, cổ phiếu của Tập đoàn Kering đã chạm mức thấp nhất trong gần bảy năm trở lại đây. Phố Wall rõ ràng đang mất kiên nhẫn đối với cách hoạt động của Kering để có thể vực dậy Gucci, Balenciaga và các thương hiệu khác.

Giữa tâm bão suy thoái của toàn ngành hàng xa xỉ, Prada dường như đang thách thức sự suy thoái của Trung Quốc. Doanh số bán hàng của Tập đoàn Prada đã tăng 17% trong quý 4/2023. Sự tăng trưởng đó chủ yếu nhờ vào thương hiệu Miu Miu khi doanh số của riêng thương hiệu này tăng vọt 82%.

Phần lớn sự tăng trưởng của Prada đến từ châu Á. Thương hiệu Miu Miu đã đạt được thành công to lớn khi mở rộng phân khúc khách hàng của mình từ giới trẻ cho đến bất kỳ ai có năng lượng trẻ trung.

Thương hiệu này cũng rất thông minh khi tiếp cận được nhiều khách hàng với phương châm mà giám đốc thương hiệu, bà Benedetta Petruzzo đã nói, Miu Miu hướng đến không phải tuổi tác mà là tâm hồn.

Tuy vậy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Prada, Andrea Guerra cảnh báo rằng năm 2024 có thể là một năm thăng trầm không chỉ đối với riêng Prada mà toàn ngành hàng xa xỉ. Nhiều khó khăn từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô cho đến khả năng xảy ra các sự kiện địa chính trị sẽ làm gián đoạn hoạt động bán lẻ và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của toàn ngành.

Những khách hàng siêu giàu của Hermes từ xưa đến nay vẫn được cho là miễn nhiễm với chu kỳ kinh tế. Chính vì vậy mà thương hiệu này cũng không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái trong ngành hàng xa xỉ.

Chiến lược của Hermes tại Trung Quốc cũng như các nơi khác, tập trung vào việc thu hút nhóm khách hàng cực kỳ giàu có ở các cửa hàng và các sự kiện riêng tư. Hoạt động này trái ngược với việc mua sắm trực tuyến của tầng lớp trung lưu.

Theo các nhà phân tích của Citigroup Inc, Hermes có tiềm năng vượt qua Louis Vuitton, thương hiệu hàng đầu của LVMH, ở những năm tới để trở thành thương hiệu lớn nhất trong ngành xa xỉ tính theo doanh thu. Doanh số bán hàng của thương hiệu nổi tiếng nước Pháp dự kiến sẽ đạt mức 21,3 tỷ USD vào năm 2027.

Hoạt động chỉ hướng đến những vị khách có “chiếc ví dày” và mô hình kinh doanh độc đáo được thúc đẩy bởi sự khan hiếm đã giúp Hermes thoát khỏi những cuộc thảo luận xung quanh sự suy thoái của hàng xa xỉ. Một báo cáo gần đầy của Bloomberg về tỷ lệ hoàn trả hàng đối với hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã cho thấy Hermes không bị ảnh hưởng.

Thảo Ly

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/prada-va-hermes-dung-vung-trong-tam-bao-suy-thoai-cua-nganh-hang-xa-xi-post551773.html