Phương Tây chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Liên minh châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc, hãng tin Bloomberg thông báo.

Người đứng đầu Ủy ban Châu Âu - bà Ursula von der Leyen đã khởi xướng việc đưa ra một số hạn chế đối với Trung Quốc, điều này nguy cơ sẽ dẫn tới cuộc chiến thương mại căng thẳng.

Như ấn phẩm Bloomberg đã lưu ý, hiện nay "đấu trường thương mại" chính giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc chính là lĩnh vực được gọi là "công nghệ sạch".

Vị trí lãnh đạo không thể tranh cãi ở đây thuộc về Trung Quốc, khi họ xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang EU. Hơn nữa, do giá thành rẻ nên các doanh nghiệp tại Bắc Kinh đã đánh bật sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất bản địa.

Hãng tin Bloomberg giải thích, Trung Quốc thống trị tuyệt đối thị trường công nghệ sạch toàn cầu nhờ sự hỗ trợ to lớn của chính phủ dành cho các nhà sản xuất, đồng thời nhấn mạnh rằng tình trạng này không phù hợp với các quan chức EU.

Liên minh châu Âu có ý định thay đổi thực tế trên bằng các phương pháp phi thị trường. Trong tương lai gần, EU sẽ áp dụng các mức thuế bổ sung đối với ô tô điện của Trung Quốc.

Một biện pháp khác có thể được EU đưa ra nữa sẽ là hạn chế sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào những dự án cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ châu Âu.

"Châu Âu phải bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong khi cân bằng các hành động bảo hộ của Mỹ, trước tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc, có nguy cơ lan sang thị trường châu Âu".

Thông điệp nói trên được Bộ trưởng Tài chính Pháp - ông Bruno Le Maire đưa ra nhằm giải thích về bước đi sắp tới của chính quyền EU.

Tuy vậy theo nhận xét, EU sẽ phải cân nhắc kỹ những biện pháp được đưa ra, bởi chắc chắn châu Âu phải hứng chịu hành động trả đũa từ phía Trung Quốc.

Không chỉ riêng căng thẳng với châu Âu, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nguy cơ bùng nổ trở lại và đó là viễn cảnh Bắc Kinh lo ngại.

Viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã hứa sẽ áp dụng mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Các nhà phân tích lưu ý rằng tỷ trọng sản phẩm Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Mỹ đang giảm dần. Nếu năm 2015 con số này là 22% thì đến năm 2023 chỉ còn 14%.

Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và giữ lời hứa thì theo đánh giá, đến năm 2030, nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có thể giảm xuống chỉ còn 1%.

Các chuyên gia tin rằng một kịch bản như vậy sẽ không xảy ra mà không để lại hậu quả, chủ yếu đối với nền kinh tế của chính nước Mỹ, khi các nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể chịu hậu quả nặng nề nhất.

Ngoài ra, Trung Quốc khi đoán trước những hành động có thể xảy ra đã đầu tư nhiều vào những quốc gia khác. Nói một cách đơn giản, hàng hóa nước này sẽ tiếp tục đến Mỹ nhưng dưới một lá cờ khác.

Chúng ta hãy lưu ý rằng Trung Quốc - theo quan điểm của ông Donald Trump, chính là đối thủ cạnh tranh thương mại và địa chính trị chính lớn nhất đối với nước Mỹ.

Ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, khiến nền kinh tế của cả hai nước phải trả giá đắt. Chính quyền hiện tại của ông Biden đã phải giải quyết hậu quả của cuộc đối đầu này.

Nhưng rõ ràng Trung Quốc đã rút ra kết luận cần thiết từ những gì xảy ra và đã thực hiện các bước để bảo vệ hàng xuất khẩu của mình sang Mỹ. Ngoài ra trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden đã ít để ý đến Bắc Kinh hơn, khiến cuộc chiến thương mại lắng dịu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phuong-tay-chuan-bi-cho-cuoc-chien-thuong-mai-voi-trung-quoc-post574752.antd